Tướng Tô quyết tâm đốn tiếp trụ thứ 3, đẩy Thủ Chính vào thế phải “đấu tranh sinh tồn”?

Bốn vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản được người dân đặt cho cụm từ “Tứ trụ triều đình”, nghĩa là, 4 trụ này có quyền quyết định tất cả những vấn đề về kinh tế, an ninh, quốc phòng vv… bao trùm mọi vấn đề của đất nước.

Mặc dù, mức độ quyền lực không giống nhau, nhưng trên cơ bản, đây là 4 vị trí cao nhất trong Bộ Chính trị. Cho nên, khó có nhân vật nào ngoài tứ trụ mà có thể hạ được trụ, trừ Tô Lâm.

Hiện nay, Tô Lâm đã hạ được đến 2 trụ, trong thời gian ngắn kỷ lục. Điều này cho thấy, trật tự quyền lực trong Đảng đang bị đảo lộn.

Về thực quyền, mạnh nhất là Tổng Bí thư, kế đến là Thủ tướng, xếp thứ 3 là Chủ tịch Quốc hội, cuối cùng là Chủ tịch nước. Tô Lâm bắt đầu tấn công Tứ trụ từ trụ yếu nhất – Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch nước ngã, Tô Lâm nâng dần độ khó lên, ông đánh tiếp Chủ tịch Quốc hội và đã khiến trụ này ngã một cách chóng vánh. Giờ đây, liệu Tô Lâm có nâng tiếp độ khó lên nữa hay không? Nếu có, tất nhiên, mục tiêu kế tiếp sẽ là Thủ tướng.

Hiện nay, trong Chính phủ có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Tổng cộng là 30 cơ quan lớn nhỏ khác nhau. Trong 30 cơ quan này, có 2 bộ quan trọng, mà người đứng đầu phải là Ủy viên Bộ Chính trị – đó là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai bộ này, trên danh nghĩa là thuộc Chính phủ,  nhưng thực chất, họ không tuân lệnh Thủ tướng, mà thường nghe lệnh trực tiếp từ Tổng Bí thư.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng là Bí thư Quân uỷ Trung ương. Tức là, về mặt Đảng, Tổng Bí thư là người đứng đầu Bộ Quốc phòng.

Ngoài 2 bộ nắm giữ lực lượng vũ trang kể trên, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ, điều thuộc quyền quản lý của Thủ tướng. Như vậy, Thủ tướng là người có quyền lực rất lớn, bao trùm các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Chính vì thế, muốn húc đổ Thủ tướng không hề dễ dàng, đây là một thách thức lớn đối với Tô Lâm.

Trước khi ông Võ Văn Thưởng ngã ngựa, có 4 ứng viên cho chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, gồm: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm. Tức, tỷ lệ chọi là 1/4, nghĩa là, Tô Lâm có 25% khả năng chiến thắng. Sau khi Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị loại khỏi vòng chiến đấu, tỷ lệ chọi đã giảm xuống là 1/2, tức là, Tô Lâm có 50% cơ hội chiến thắng. Như vậy, tỷ lệ chiến thắng của Tô Lâm đã được nâng lên gấp đôi.

Tuy nhiên, tỷ lệ 50% vẫn không thể đảm bảo, người dân gọi tỷ lệ này là “năm ăn năm thua”, nghĩa là vẫn còn cửa thất bại.

Như vậy, để chắc chắn có thể ngồi vào ghế Tổng Bí thư, thì ắt hẳn, Tô Lâm cũng phải tính đến bài toán loại Phạm Minh Chính ra khỏi vũ đài chính trị. Tuy nhiên, loại Phạm Minh Chính bằng cách nào lại là một bài toán rất khó cho Tô Lâm.

Suốt thời gian qua, Tô Lâm cho quần các vụ án AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, mục đích là tìm manh mối để giật sập trụ Thủ tướng. Đến nay, có lẽ ông Tô vẫn chưa thành công. Nhưng càng bế tắc, Tô Lâm càng manh động, và quyết làm bằng được. Từng là đối thủ của Tô Lâm trong Bộ Công an, ắt hẳn, Phạm Minh Chính biết rõ ông đang gặp một đối thủ nguy hiểm, trong cuộc đời làm chính trị của mình.

Thông tin nội bộ cho chúng tôi biết, Tô Lâm sẽ lập một cơ quan chuyên đi “bắt cóc” người ở nước ngoài. Nếu không có gì trở ngại, thì dự tính, đầu tháng 7 tới, cơ quan này sẽ đi vào hoạt động, với 100 lính tinh nhuệ được đào tạo bài bản, và hứa trung thành với Bộ trưởng. Trước mắt, nhiệm vụ của cơ quan này là tìm cho ra nơi ẩn náu của bà Nhàn, tóm bà về giao Tô Lâm.

Xem ra, việc Tô Lâm quyết đốn cho được Thủ tướng, là điều có thật. Tô Lâm đang đẩy Phạm Minh Chính vào thế phải đấu tranh sinh tồn, trong Bộ Chính trị.

 

Trần Chương – Thoibao.de