Với sự nổi lên của Tô Lâm, Bộ Chính trị bị an ninh hoá sâu sắc

Ngày 16/5, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Chính trị Việt Nam đang bị an ninh hoá sâu sắc hơn”, của ông Zachary Abuza – Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington.

Tác giả cho rằng, rất nhiều sự chú ý đã tập trung vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm – người đã loại bỏ một loạt đối thủ chính trị, khi ông tìm cách trở thành Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Tác giả nhận xét, khả năng ông Lâm được cất nhắc vào vị trí cao hơn, khiến người ta đặt câu hỏi: Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào?

Trong các cuộc bàn luận về chính trị tinh hoa của Việt Nam, vấn đề vị trí thống trị của Bộ Công an, thường không được nhắc tới. Trong khi, bộ máy an ninh Việt Nam rộng khắp, gần như bao trùm xã hội.

Theo tác giả, với việc bà Trương Thị Mai từ chức, Bộ Chính trị của Đảng hiện chỉ còn 12 người. Sự ra đi của một số nhà kỹ trị kinh tế đã khiến việc an ninh hóa Bộ Chính trị trở nên rõ ràng hơn.

Hiện có 5/12 uỷ viên Bộ Chính trị xuất thân từ Công an, và 7/12 xuất thân từ các lực lượng vũ trang, nếu tính thêm cả 2 vị tướng quân đội.

Điều này, vẫn theo tác giả, phản ánh sự lo lắng của chế độ về các cuộc cách mạng màu và diễn biến hòa bình. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng bị thống trị bởi những người có phản ứng bản năng đối với bất cứ điều gì cũng là: Phải kiểm soát.

Điều tiếp theo là tầm quan trọng của Bộ Công an – với tư cách là phương tiện để thăng tiến chính trị.

Nhiều quan chức cấp cao đã có sự nghiệp lâu dài trong Bộ Công an trước khi được thuyên chuyển sang các vị trí Chính phủ và Đảng. Các trải nghiệm và kinh nghiệm có được trong lĩnh vực an ninh thường định hình thế giới quan của họ.

Một số quan chức xuất thân từ công an, có thể kể đến như:

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một công an chuyên nghiệp.

Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, từng là công an ở Tây Ninh trong 17 năm.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng là một cảnh sát chuyên nghiệp.

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình từng là Thiếu tướng, với chức vụ cao nhất tại Bộ Công an là Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.

Tác giả đánh giá, kể từ thời kỳ Đổi mới 1986 đến nay, Bộ Chính trị Việt Nam chưa bao giờ trở nên kém đa dạng đến vậy.

Nếu Bộ trưởng Tô Lâm được đề bạt làm Tổng Bí thư, người thay thế ông cũng có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị.

Tác giả bình luận, khối an ninh nhiều khả năng tiếp tục là một thuộc tính kéo dài của chính trị Việt Nam.

Điều này sẽ có tác động sâu sắc tới công chúng, và định hình mạng internet, truyền thông xã hội, xã hội dân sự và kinh tế của Việt Nam. Những người này nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh và sự sống còn của chế độ.

Tác giả nhắc đến việc nhà cầm quyền gần đây đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức của Bộ Lao động, đồng thời là một cựu công đoàn viên và cựu chuyên gia tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ông đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một công ước, cho phép thành lập các đoàn độc lập của người lao động.

Nhà cầm quyền cũng đang vận dụng các chiến thuật kiểu Trung Quốc: Ông Bình bị truy tố theo Điều 337 Bộ Luật Hình sự – một điều khoản hình sự hóa việc tiết lộ các thông tin mật.

Tác giả kết luận, đảm bảo an ninh chế độ và phát triển kinh tế cần đi đôi với nhau. Tăng trưởng kinh tế thường mang đến cho Đảng tính chính danh nhờ thành quả lãnh đạo. Nhưng trên thực tế, rất khó để đồng thời có được cả 2 thứ và nhu cầu an ninh sẽ chiến thắng sự thực dụng kinh tế.

 

Hoàng Anh – thoibao.de