Chính – Tô, liên minh của hai kẻ “đồng sàng dị mộng”, mầm đại loạn đang được nhen nhóm!

Tô Lâm đã tốn rất nhiều thời gian nấp dưới trướng của ông Nguyễn Phú Trọng, để xây dựng vây cánh trong Bộ Công an. Đến nay, Tô Lâm cũng chỉ tin tưởng những người gốc Hưng Yên, hoặc những người có mối quan hệ thân hữu với ông. Và có lẽ, cũng chỉ những con người gốc Hưng Yên được ông Tô Lâm nâng đỡ, và cất nhắc trong thời gian dài, mới là người sát cánh cùng Tô Lâm.

Ở trong Bộ Công an, Tô Lâm gặp Phạm Minh Chính từ rất sớm, nhưng 2 người này chưa bao giờ là đồng minh của nhau. Họ luôn là đối thủ cạnh tranh nhau từng chút một. Nếu năm 2011 mà Phạm Minh Chính không rời Bộ Công an thì chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an sau khi ông Trần Đại Quang rời đi sẽ là cuộc chiến chí tử Chính – Tô. Tuy nhiên, đấy chỉ là chữ “nếu”, vì thực tế, Phạm Minh Chính đã rẽ hướng đi theo một đường khác.

Sự bắt tay giữa Tô Lâm và Phạm Minh Chính trong thời gian gần đây, được đánh giá là chỉ mang tính thời điểm. Bắt tay nhau mà chẳng trợ lực gì cho nhau, một kẻ làm hết, còn người còn lại “núp lùm” chờ thời. Việc “thổi bay” chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ, là do một mình Tô Lâm thực hiện, còn dấu ấn của Phạm Minh Chính thì rất mờ nhạt.

Có lẽ, Tô Lâm và Phạm Minh Chính bắt tay nhau chủ yếu là để loại nhân vật đang ở gần ngai vàng nhất, và cũng để né tránh đối đầu cùng một lúc 2 đối thủ. Phạm Minh Chính không muốn vừa đối đầu Vương Đình Huệ, vừa đối đầu Tô Lâm, và Tô Lâm cũng vậy.

Sau khi loại được Vương Đình Huệ, nhiệm vụ tiếp theo của Tô Lâm là hạ bệ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một khi ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi đó, thì Tô Lâm và Phạm Minh Chính còn cần phải liên minh. Bởi nếu 2 người này choảng nhau, thì phe ông Tổng sẽ trỗi dậy, và người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Đại tướng Lương Cường.

Việc ông Trọng quyết bám ghế đến cùng, đã tạo ra mầm loạn ở thượng tầng chính trị Việt Nam. Ông chưa từ giã chính trường, nhưng mầm bất ổn hậu Nguyễn Phú Trọng đã và đang rõ nét hơn bao giờ hết. Đấy là mầm loạn xuất phát từ 2 nhân vật đang có tham vọng đoạt ghế Tổng Bí thư.

Giả sử, ông Nguyễn Phú Trọng chết đi, thì có còn liên minh Phạm Minh Chính và Tô Lâm nữa hay không?

Hậu Nguyễn Phú Trọng thì chẳng còn lý do gì để 2 đối thủ này tiếp tục bắt tay nhau nữa. Khi đó, rất có thể, họ sẽ chuyển sang đối đầu, và thượng tầng chính trị lại có cặp đấu mới sống mái với nhau.

Tô Lâm là người gây ra rất nhiều tai tiếng, từ thành phần trong Đảng đến cả người dân đều không ưa ông này. Ông bị đánh giá là người tàn bạo, bất chấp luật pháp, tham ăn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là một hung thần đối với cả 100 triệu dân, lẫn 5 triệu đảng viên.

Nhưng dù ông không được ủng hộ cả trong dân và lẫn trong Đảng, thì cuối cùng, cũng không có ai ngăn cản được thế lực của ông bành trướng và thâu tóm quyền lực.

Với một Tô Lâm như thế, nếu Phạm Minh Chính không bất chấp luật pháp và bất chấp luật Đảng, thì khác nào tự trói mình trước Tô Lâm? Cho nên, hậu Nguyễn Phú Trọng, không chỉ thế lực Tô Lâm, mà các thế lực khác cũng sẽ đi theo lối mòn do Tô Lâm tạo ra, để tồn tại trong chốn cung đình đầy cạm bẫy.

Đối với Tô Lâm chỉ có quyền lực là “muôn năm”, và chắc chắn, đối với Phạm Minh Chính cũng thế, sẽ không có ngoại lệ nào cả. Không ai vì lợi ích chung, mà ai cũng chỉ vì lợi ích cá nhân, và lợi ích nhóm của họ mà thôi. Luật chơi “quyền lực muôn năm” khiến cho các thế lực không bao giờ liên minh được lâu bền.

Đấu trường nào cũng có luật chơi của nó, nhưng đấu trường ở thượng tầng chính trị Việt Nam chẳng có luật nào cả, luật duy nhất là “luật của kẻ mạnh”, nên ai cũng muốn mình mạnh nhất, bất chấp thủ đoạn. Đấy chính là mầm mống của đại loạn.

 

Trần Chương – Thoibao.de