Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi EU trừng phạt lãnh đạo Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền

Ngày 3/7, RFA Tiếng Việt cho hay, “HRW: EU cần trừng phạt lãnh đạo Việt Nam thay vì cứ Đối thoại Nhân quyền”.

Theo đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra lời kêu gọi, vào ngày 4/7, một ngày trước Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam thường niên năm 2024, sẽ được tổ chức ở Brussels, Bỉ, rằng, EU có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt, để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, thay vì các cuộc Đối thoại Nhân quyền không hiệu quả.

RFA cho biết, HRW cho rằng, EU có thể cân nhắc biện pháp sử dụng 2 hiệp định quan trọng, là Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA), và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), để làm đòn bẩy buộc Hà Nội phải chấm dứt đàn áp nhân quyền.

Dựa trên Điều 1 của PCA “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền”, như một “thành tố thiết yếu” của hiệp ước, EU có thể đình chỉ 2 hiệp định trên, hoặc áp dụng biện pháp trừng phạt khác đối với Việt Nam.

Ngoài ra, RFA cũng cho biết, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề nghị, EU có thể áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu, nhằm vào các quan chức và tổ chức của Việt Nam, chịu trách nhiệm việc đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống.

RFA dẫn thông cáo của HRW, nói rằng, EU và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ những năm 1990, và đã có khoảng 20 cuộc đối thoại nhân quyền tính từ năm 2002. Tuy nhiên, từ đó tới nay, Việt Nam gần như không cải thiện một vấn đề nào được EU nêu ra.

Thậm chí, việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự còn trầm trọng hơn, sau khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2020, khiến cho chính quyền Việt Nam tự tin hơn về cảm giác được miễn trừ trách nhiệm.

RFA đề cập đến cuộc đối thoại năm 2023, 2 bên cam kết cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. EU đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và lập hội.

Tuy nhiên, theo HRW, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không hề cải thiện trong năm qua. Từ sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam vào tháng 6/2023, Việt Nam đã kết án 8 người, vì lên tiếng phê phán chính quyền. Trong đó có các nhà vận động dân chủ Phan Tất Thành, Dương Tuấn Ngọc, và Nguyễn Văn Lâm, với các mức tù giam từ 6 đến 8 năm, theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, có 8 nhà hoạt động khác bị bắt với cùng cáo buộc, như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Chí Tuyến, và Phan Vân Bách…

Theo RFA, chỉ 1 tháng sau cuộc đối thoại năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị mật 24, trong đó yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và an ninh ngăn chặn xã hội dân sự, trong việc định hình chính sách của nhà nước và thành lập các nhóm đối lập chính trị.

Chỉ thị, được tổ chức Dự án 88 tiết lộ, cũng xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia cần phải được giải quyết, quán triệt, không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.

Vẫn theo RFA, Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước Số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, cho dù trước khi Quốc hội EU bỏ phiếu về EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023.

RFA cho biết thêm, HRW khuyến nghị EU tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên, liên quan tới tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, bao gồm những người bị giam giữ vì lý do chính trị, giới hoạt động môi trường, tình trạng đè nén quyền của người lao động, tình trạng đối xử pháp lý không công bằng đối với các bị can và bị cáo hình sự, tình trạng hạn chế quyền tự do đi lại, đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

 

Minh Vũ – thoibao.de