Để Trương Mỹ Lan chuyển trái phép hơn 4 tỷ USD qua biên giới, Lê Minh Hưng có được yên?

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 34 bị can trong giai đoạn 2 của vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và các đơn vị liên quan.

Báo Dân Trí ngày 12/7 đưa tin, “Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố vì vận chuyển trái phép 4 tỷ USD”. Bản tin cho biết, theo cáo trạng, bà Lan cùng 8 đồng phạm đã vận chuyển trái phép số tiền hơn 4 tỷ USD qua biên giới. Bà Lan bị truy tố về 3 tội danh: “Rửa tiền”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đây là kết quả điều tra mở rộng giai đoạn 2 của Bộ Công an, liên quan đến Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong việc thu nhận tiền gửi của người dân, cũng như phát hành trái phiếu sai quy định. Đây chính là vụ bà Trương Mỹ Lan lừa đảo tài chính, với trị giá lên đến 304 nghìn tỷ đồng (tương đương 12,46 tỷ USD), và là vụ lừa đảo trong ngành ngân hàng, được cho lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 4/2024, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan, vì vai trò chủ mưu vụ án. Các mức án cụ thể của bà Trương Mỹ Lan, gồm: tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hình phạt là tử hình.

Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bị cáo Trương Mỹ Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, và cho rằng, bà không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB, như phán quyết của tòa quy tội.

Các các sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, dưới sự chi phối của bà Trương Mỹ Lan với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã diễn ra trong một thời gian rất dài, khoảng hơn 20 năm.

Giới phân tích quốc tế đánh giá, đây là một vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn chưa từng thấy. Nhưng nếu vụ án này sớm được điều tra, và điều tra hoàn toàn độc lập, điều tra tới nơi tới chốn, thì chắc chắn, sẽ có nhiều quan chức cấp cao của Đảng phải đứng trước vành móng ngựa.

Công luận và giới chuyên gia đã đặt câu hỏi, về việc, trách nhiệm thuộc về ai? Và tại sao lại để xảy ra tình trạng quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát tới hơn một triệu tỷ đồng? Đây là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan đã lừa đảo trong vòng 10 năm qua, với chiêu thức lấy tiền của người gửi sau trả cho người gửi trước.

Trong suốt 10 năm đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ ở đâu? Tại sao và lý do gì, mà Ngân hàng SCB lại chỉ bị thanh tra duy nhất đúng một lần.

Trong khi, việc quản lý, thanh toán, hay  chuyển tiền xuyên biên giới, nằm trong trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phát hiện ra các giao dịch đáng ngờ trong việc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, thì phải kịp thời báo cáo cho Bộ Công an và các cơ quan chức năng, để điều tra làm rõ.

Vậy, tại sao các cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như ông Nguyễn Văn Bình, ông Lê Minh Hưng và đương kim Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, không bị điều tra để làm rõ vai trò và trách nhiệm của họ?

Theo giới quan sát, liên quan đến Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Lê Minh Hưng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất, bởi ông Hưng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, sau Đại hội 12. Đây là giai đoạn Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát “ăn nên, làm ra” nhất.

Như vậy, liệu Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng – một nhân vật lãnh đạo cấp cao của phe Hà Tĩnh, có khả năng được an toàn trong vụ Vạn Thịnh Phát hay không, đang được công luận hết sức quan tâm.

Đây là một trong những lý do mà lãnh đạo Bộ Công an có thể tận dụng để ép ông Lê Minh Hưng phải “rút lui” như những uỷ viên Bộ Chính trị đã ngã ngựa khác. Đây cũng là cơ hội tạo ra chỗ trống để Chủ tịch Tô Lâm có thể sớm đưa đàn em của mình vào Bộ Chính trị, trong dịp Hội nghị Trung ương 10 sắp diễn ra vào tháng 10/2024 tới đây.

Chúng ta cùng chờ xem./.

 

Trà My – Thoibao.de