Chuyến đi Trung Quốc của Tô Lâm được báo chí trong nước đưa tin rình rang, nhưng ngược lại, báo chí Trung Quốc thì không sốt sắng. Điều này khác xa với những chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.
Trung Quốc cũng như Việt Nam, đều kiểm soát báo chí chặt chẽ, đặc biệt là tin tức về chính trị. Vì thế, thái độ lạnh nhạt của báo chí Trung Quốc, phần nào cho thấy thái độ của Tập Cận Bình đối với Tô Lâm.
Tô Lâm là Tổng Bí thư mới lên ngôi, Tập Cận Bình chưa biết nhiều về ông. Điều đáng nói là, cách Tô Lâm chiếm lấy chức Tổng Bí thư không chính thống. Tô Lâm không phải là nhân vật được ông Trọng chọn mặt gửi vàng.
Tập Cận Bình đã tin tưởng ông Trọng, thì ắt hẳn, ông phải dè chừng với kẻ đã phản bội lại ông Trọng, đó là điều dễ hiểu.
Lần “đi chầu thiên triều” này, sau khi trở về nước, Tô Lâm đã bị “lột” mất chức Chủ tịch nước. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy, Tập Cận Bình muốn kiểm tra phản ứng của Tô Lâm, và cũng muốn đưa “con ngựa chứng” này vào vòng kiểm soát.
Vào năm 2011, khi Tập Cận Bình là cấp phó của Hồ Cẩm Đào, đã có chuyến thăm Việt Nam. Ông Trọng cho đón ông Tập bằng lá cờ Trung Quốc 6 sao, trong khi, lá cờ chính thống của Trung Quốc có 5 ngôi sao, gồm 1 ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ, đại diện cho 5 dân tộc của Trung Quốc. Có thể nói, ông Trọng đã cúi đầu trước ông Tập từ khi ông Tập chưa lên ngôi “cửu ngũ chí tôn” trong triều đình Cộng sản Trung Quốc.
Giờ đây, có lẽ, Tô Lâm không có được cơ hội để cúi đầu từ xa như ông Trọng, nên Tập Cận Bình cần một phép thử chăng? Và có lẽ, nhiệm vụ của Tô Lâm là lấy được sự tin tưởng của ông Tập trong thời gian tới. Tô Lâm hiểu rõ, muốn làm bá chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, thì trước tiên, phải lấy lòng ông chủ Trung Nam Hải.
Hiện còn quá sớm để đánh giá sự bền vững của chiếc ghế Tổng Bí thư mà ông Tô Lâm đang ngồi. Nếu được Tập Cận Bình tin cậy, Tô Lâm hoàn toàn có thể đè bẹp mọi thế lực khác trong Đảng, và an tâm ngồi ghế Tổng suốt đời. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là làm sao để Tập Cận Bình vừa lòng.
Tuy Tô Lâm đang là phe mạnh nhất trong Đảng, nhưng mới đây, phe quân đội đã bắn tin, người đứng đầu phe này sẽ đi Mỹ. Phía Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi sát sao hành động của Bộ trưởng Phan Văn Giang. Nếu chọc giận Bắc Kinh, dù vô tình hay hữu ý, thì với vai trò là Bí thư Quân ủy Trung ương, Tô Lâm phải có lời giải thích với Tập. Rõ ràng, nỗ lực của Tô Lâm đi Bắc Kinh để mong được ông Tập thừa nhận, đang bị Tướng Phan Văn Giang thử thách. Có thể nói, ông Giang đi Mỹ, nhưng ông Tô Lâm lại là người lo lắng.
Làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tô Lâm phải có trách nhiệm chăn dắt Đảng theo ý Tập, phải lùa đất nước Việt Nam và 100 triệu dân vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Với việc phe quân đội không muốn “vâng lời” Tổng Bí thư, thì đấy cũng là cách đẩy Tô Lâm vào thế khó.
Tập thể dưới quyền ông Trọng trước đây, có vẻ như thống nhất hơn tập thể dưới quyền ông Tô Lâm. Điều này dễ hiểu, bởi Tô Lâm là “kẻ cướp” chứ không phải “thừa kế”. Kẻ cướp luôn sẵn sàng ra tay triệt hạ những người đang và sẽ được hưởng quyền lợi dọn sẵn, cho nên, Tô Lâm đã gây thù chuốc oán với rất nhiều phe cánh.
Các phe phái cung đình không chỉ tính chuyện đánh nhau, mà còn tính chuyện cản đường nhau, nếu có thể. Với vai trò là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, ông Phan Văn Giang đang nắm trong tay cơ hội làm cho ông Tô Lâm phải mất mặt với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Giang có bạo gan làm chuyện đó hay không, thì còn phải chờ xem bản lĩnh của ông tới đâu.
Thế Tô Lâm như chẻ tre, nếu không lật được bằng một trận đánh bất ngờ, thì chỉ có thể làm giảm sức mạnh của ông bằng những “tiểu xảo” như thế. Đấy cũng là cách có thể “góp gió thành bão”, cho việc lớn về sau.