Từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì nền chính trị Việt Nam đã bị gắn chặt với nước láng giềng phương Bắc này.
Các đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, đều răm rắp “tuân lệnh” thiên triều. Đồng thời, quan hệ đối ngoại Việt – Trung luôn luôn được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, mối quan hệ này quá bất bình đẳng. Buộc Ban lãnh đạo Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Trọng, phải phá lệ, để thúc đẩy chính sách ngoại giao đa phương, với hy vọng thoát được cái vòng “kim cô” của Bắc Kinh.
Với phương châm, Việt Nam làm bạn với tất cả các quốc gia, coi trọng mối quan hệ với tất cả các cường quốc, chính sách này gọi là “ngoại giao cây tre”. Theo đó, trung tuần tháng 9/2023, Hà Nội đã nâng mức quan hệ vượt cấp với Washington, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, ngang bằng với Bắc Kinh.
Điều đó đã khiến Trung Nam Hải giận dữ. Chuyến thăm Việt Nam bất thường của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, là để trách cứ, cũng như, buộc Việt Nam phải gia nhập cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc. Với âm mưu, quan hệ giữa Việt – Trung Quốc phải luôn cao hơn một cấp, so với quan hệ Việt – Mỹ.
Được biết, khi đó, Tổng Bí thư Trọng ở vào thế lưỡng nan, “theo cũng dở, mà chịu ở cũng không xong”. Ông được cho là đã diễn bài “vờ khóc” nức nở trước họ Tập, trong lễ chiêu đãi Quốc yến, tối 12/12/2023, để thoái lui. Kể từ đó, mối quan hệ Việt – Trung ngày càng có nhiều biểu hiện xấu đi.
Bắc Kinh luôn luôn duy trì một chính sách “chia để trị” thâm hiểm, đối với Việt Nam. Trong khi đó, ông Trọng lại luôn chiều lòng Bắc Kinh một cách vô điều kiện. Đó là lý do, nhiều ý kiến chỉ trích ông là “thái thú” của Trung Quốc, cũng chẳng oan. Cũng chính vì vậy mà trong lễ tang, ông Tập bày tỏ sự tiếc thương với Tổng Trọng một cách quá mức, trong khi, nhiều lãnh đạo Việt Nam thì lại cười tươi sung sướng.
Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Tô Lâm, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã xảy ra những xáo trộn chính trị. Việc Quốc hội bất ngờ tuyên bố, sẽ bầu lại chức danh Chủ tịch nước, để thay thế cho Chủ tịch nước Tô Lâm, là một trong những xáo trộn. Ông Tô Lâm đã phải chấp nhận thoái lui, trước sức ép của Ban Đảng và phe quân đội.
Trong bối cảnh hết sức phức tạp này, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn dõng dạc tuyên bố: “Việt Nam sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – có thể hiểu là, sẽ có những cải cách trong thời gian tới.
Đặc biệt, mới đây, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Đình Bin, đã gửi tâm thư đến Tổng Bí thư Tô Lâm, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị. Đây là điều mà Trung Quốc hoàn toàn không muốn!
Theo giới quan sát, động thái vừa kể là một cú sốc. Một cựu lãnh đạo cấp cao lại công khai kêu gọi “đa nguyên, đa đảng” – vốn là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Phải chăng, đây là phép thử ngược của ông Tô Lâm, đối với phe tướng lĩnh quân đội, đang nỗ lực cản phá xu hướng, cũng như chính sách đối ngoại thân Hoa Kỳ và phương Tây.
Đáng chú ý, công luận vẫn chưa thấy Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ phản ứng trước lời kêu gọi của ông Nguyễn Đình Bin.
Một nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đang cố gắng làm đẹp hình ảnh, để lấy lòng các uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, bằng các chính sách “an quan tham”. Vì nếu không, sẽ khó có được sự ủng hộ của họ, để được bầu làm trường hợp “đặc biệt”. Nếu không, thì hết khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ đến tuổi buộc phải nghỉ hưu.
Chúng ta hãy chờ xem.
Trà My – Thoibao.de