Chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Tô Lâm như thế nào?

Theo một cuộc thăm dò ý kiến người dân, Hoa Kỳ đang để mất dần Đông Nam Á vào tay Trung Quốc. Theo đó, khu vực Đông Nam Á có 11 quốc gia thành viên, nhưng chỉ có 3 quốc gia, ở đó đa số người dân ủng hộ và thích Hoa Kỳ, đó là Philippines, Việt Nam và Campuchia. Đa số người dân ở những nước còn lại thì thích và ủng hộ Trung Quốc. Thậm chí, ở các quốc gia theo Hồi giáo, người ta còn căm ghét nước Mỹ.

Truyền thông quốc tế đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn, Trung Quốc, hôm 13/9, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Phan Văn Giang, đã khẳng định chính sách đối ngoại 4 không, đồng thời kêu gọi tôn trọng chủ quyền Việt Nam.

Điều này được đánh giá là không có gì mới, chỉ là sự nhắc lại những điều mà các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam từng tuyên bố, về chính sách quốc phòng và đối ngoại của Việt Nam. Những chính sách này nhằm cân bằng mối quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó ít ngày, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã đến thăm Hoa Kỳ trong 2 ngày, từ ngày 8 đến 9/9, sau chuyến thăm Philippines. Vấn đề hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, cũng như Việt nam – Philippines, đang được giới quan sát và phân tích quốc tế hết sức quan tâm. Đồng thời có những câu hỏi được đặt ra, rằng, đây có phải là dấu hiệu cho thấy, bước “chuyển động” trong chính sách quốc phòng của Việt Nam hay không?

Ngày 13/9, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh – một Hội nghị đối thoại an ninh khu vực thường niên do Trung Quốc thiết lập, kể từ năm 2016, khai mạc. Diễn đàn năm 2024 này có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng và các quan chức, từ hơn 100 quốc gia, với chủ đề “Cùng xây dựng hòa bình, cùng chia sẻ tương lai”.

Phát biểu của Tướng Giang về việc kêu gọi các bên “tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, không đề cập trực tiếp, cụ thể đến quốc gia nào, nhưng có lẽ, ông muốn “ám chỉ” nước láng giềng phương Bắc. Vì Việt Nam chỉ có tranh chấp chủ quyền nhiều nhất với Trung Quốc, trên Biển Đông, cũng như đã nhiều lần cáo buộc về việc Bắc Kinh đưa tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu nghiên cứu, xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đang cản trở vị thế của Mỹ trong khu vực. Trong bối cảnh, Hoa Kỳ đang mất dần vị thế ở khu vực này, thì sự suy yếu của Mỹ luôn là cơ hội cho Trung Quốc.

Theo một số ý kiến, các chuyến thăm Philippines và Mỹ gần đây của Bộ trưởng Giang, đã cho thấy, những nỗ lực trong việc hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia này có chung mục tiêu, chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông.

Điều đó đã bất chấp làn sóng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang gia tăng, do sự phát động của Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam. Làn sóng này cho thấy, cảm tính chống Mỹ của Ban Đảng, cũng như của những tướng lĩnh quân đội, đang gia tăng ở Việt Nam.

Theo kết quả thăm dò ý kiến người dân mới nhất của Viện Chính trị có trụ sở tại Singapore, nước Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ rất cao ở Philippines, là 83% dân chúng; và Việt Nam là 79% dân chúng. Trong khi, sự ủng hộ đối với Trung Quốc cao hơn ở các quốc gia còn lại, kể cả Thái Lan, vốn là một đồng minh của Mỹ.

Tỷ lệ vừa kể đã cho thấy, số đông người Việt Nam và Philippines không có cảm tình, thậm chí là lo ngại về thái độ “ỷ mạnh” để ăn hiếp các quốc gia yếu hơn của Bắc Kinh, ngày càng gia tăng.

Xin nhắc lại, trước sức ép quyết liệt của phe tướng lĩnh quân đội, và bóng dáng của Bắc Kinh đứng đằng sau, việc Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn không kiểm soát và điều hành được phe quân đội, là điều đáng lo ngại cho hệ thống chính trị của Việt Nam, trong thời điểm hiện nay.

 

Trà My – Thoibao.de