Đại tướng Phan Văn Giang đi lên từ chức Tổng Tham mưu trưởng, còn Đại tướng Lương Cường đi lên từ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong chế độ độc tài Cộng sản, quân đội lại có loại “tướng văn”, chuyên bơm “chất kích thích” Mác Lê Nin cho quân lính. Đấy là Tổng cục Chính trị – một đơn vị chuyên làm công tác tư tưởng trong quân đội.
Từ thời xưa, quan văn và quan võ thường không ưa nhau. Mỗi khi đất nước đứng trước nguy cơ chiến tranh, bên văn thường hay chủ hòa, còn bên võ thì hay chủ chiến. Bên văn chê bên võ là “võ biền”, “hữu dũng vô mưu”, bên võ thường chê bên văn là “hèn nhát”. Nếu ở triều đại minh quân, vua biết chọn bề tôi trung nghĩa, thì sự đối chọi giữa quan văn và quan võ không gay gắt. Nhưng nếu ở dưới thời hôn quân, thì sự chống đối, bè phái, gây ảnh hưởng, diễn ra triền miên.
Cộng sản không có một minh quân nào, các Tổng Bí thư hầu hết đều là hôn quân, chỉ khác nhau về mức độ độc tài và hà khắc.
Quân đội được xem như là một nhà nước thu nhỏ, là nhà nước trong nhà nước. Họ có tòa án riêng, có cơ quan điều tra riêng, có cơ quan tình báo vv… Và quan trọng nhất, trong quân đội có hai hệ thống văn và võ song song tồn tại. Nhóm lợi ích bên Tổng cục Chính trị không ưa bên Tổng tham mưu trưởng, và ngược lại. Họ đấu đá với nhau, từ năm này qua năm khác, để giành từng vị trí và ảnh hưởng.
Cuối năm 2020, đầu năm 2021, Tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng, đại chiến với Tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, để giành nhau ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Kết quả, ông Cường “thua trắng bụng”, nên đành tiếp tục ngồi ghế cũ, chịu sự chỉ đạo của Tướng Giang.
Là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng lại phải ngồi ghế Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, là nỗi nhục đối với Lương Lường. Giới “văn” hay chê giới “võ” là võ biền, nhưng lại thua giới “võ” trong trận đấu quyết định ghế Bộ trưởng.
Ngồi ghế Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hơn 3 năm, thì Tướng Cường được ông Trọng kéo ra khỏi quân đội, và giao cho ghế Thường trực Ban Bí thư. Tuy nhiên, ông ngồi ghế này chưa lâu, thì ông Trọng qua đời, và Tô Lâm nhảy ra thay thế.
Hội nghị Trung ương 10 sắp tới, khả năng cao, ông Lương Cường sẽ trở thành Chủ tịch nước. Lúc đó, ông đã thoát khỏi Ban Bí thư, nhưng nếu không chịu “hòa hợp hòa giải” với Tướng Giang, thì chẳng khác nào ông tự làm yếu mình.
Dư luận trong nước cũng như quốc tế đánh giá rằng, phe quân đội đang muốn trỗi dậy, để cân bằng quyền lực với Tô Lâm. Nhưng với thực tế, “nội loạn” trong Bộ Quốc phòng vẫn chưa được giải quyết, thì bài toán khó không phải trên tay Tô Lâm, mà là trên tay Lương Cường và các tướng quân đội khác.
“Nội loạn” bao giờ cũng tự làm chính mình suy yếu. Trong nội bộ Đảng chia phe, đánh nhau hết hiệp này đến hiệp khác, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác. Như vậy chỉ khiến đất nước khốn đốn, khiến Đảng phải cầu cạnh sự bảo hộ của Trung Quốc. Và nhờ đó, Tập Cận Bình vẫn chi phối Việt Nam thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong phạm vi hẹp, khi Bộ Quốc Phòng có “nội loạn”, thì Tô Lâm hưởng lợi nhiều nhất. Hiện nay, thế lực duy nhất có thể cân bằng quyền lực với ông Tô Lâm, chính là quân đội. Nhưng nếu quân đội tự làm suy yếu chính mình, bằng sự chia rẽ, thì trong tương lai, Tô Lâm có thể loại bỏ lớp tướng tá hiện tại, và đưa những tướng thân với ông lên. Trong Bộ Quốc phòng hiện có một Thứ trưởng, Thượng tướng, là người gốc Hưng Yên. Ngoài ra, Hưng Yên còn có một Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, là Tư lệnh Quân khu 1.
Hãy xem, thời gian tới, Tướng Cường và Tướng Giang sẽ giải quyết bất hòa thế nào? Có lẽ, Tô Lâm là người muốn biết kết quả nhất.
Thái Hà – Thoibao.de