Một trường Trung học Cơ sở vận động học sinh đi xem phim Đất rừng phương Nam

Link Video: https://youtu.be/_UJUmtHZAmA

Ngày 16/10, báo Tuổi Trẻ loan tin “Nhà trường gửi thư ngỏ vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam?”

Theo đó, phụ huynh học sinh Trường Trung học Cơ sở Đồng Khởi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh việc trường gửi thư ngỏ vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam vào ngày 24/10.

Thư ngỏ có nội dung như sau: “Thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức đa dạng; nhằm giúp học sinh tiếp cận việc đọc sách với tác phẩm Đất rừng phương Nam (nhà văn Đoàn Giỏi) thông qua điện ảnh để trải nghiệm, giáo viên môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục địa phương, nghệ thuật tổ chức tiết trải nghiệm liên môn ngoài nhà trường với chủ đề “Vẻ đẹp quê hương – Cuộc sống muôn màu”, nhằm khơi gợi những tình cảm tốt đẹp trong học sinh…”.

Tuổi Trẻ cho biết, tiết học này, theo thư ngỏ, được tổ chức tại rạp chiếu phim Cinestar Quốc Thanh, phụ huynh tự đưa con đến. Sau đó, học sinh sẽ vào bên trong xem phim Đất rừng phương Nam. Xem phim xong, học sinh đi chung xe của trường về và tiếp tục học theo thời khóa biểu. Chi phí cho hoạt động này là 80.000 đồng/học sinh, bao gồm vé xem phim và tiền xe lượt về trường.

Được biết, phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, bối cảnh bộ phim đã bị thay đổi, cả về thời gian và môi trường xã hội, đến mức, một số ý kiến cho rằng, bộ phim này xuyên tạc lịch sử. Cụ thể, bộ phim này đề cao tinh thần nghĩa hiệp của các tổ chức bên… Tàu, như Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội.

Nhà văn Phạm Viết Đào viết trên trang cá nhân của mình rằng, Đất rừng phương Nam là một bộ phim quảng bá cho tinh thần nghĩa hiệp rởm của Tàu!

Hình: Bản tin về thư ngỏ trên báo Tuổi Trẻ

Nhà văn bình luận:

Không hiểu sao, trong bộ phim Việt mới này lại say sưa ăn phải “bả” của mấy cái tổ chức nửa nghĩa hiệp nửa tay sai ăn cướp kia của một thời kỳ lịch sử Trung Hoa rối loạn?”

Với phục trang Tàu, cách ăn nói, hành xử của nhiều nhân vật trong phim, ngoài ý đồ câu khách rõ rệt, người xem có cảm giác người làm phim đã quảng bá cho thứ gọi là “Văn hóa Tàu” – nổi lên là tinh thần Sơn Đông mãi võ bán thuốc ế (chứ còn lâu mới là tinh thần võ hiệp chân chính mà các phim Thiếu Lâm tự nói đến!). Và tìm đâu ra cái tinh thần nghĩa hiệp của người dân Nam Bộ chảy mạnh và âm thầm từ Lục Vân Tiên tới hôm nay?!”

Phim “Đất rừng phương Nam” hôm nay, dù các nhà làm phim đã chủ động sửa lại những cái tên xa lạ trong phim, nhưng bóng dáng & hồn cốt văn hóa Tàu làm sao xóa được! Cùng với những “”Đường lưỡi bò” nguy hiểm đã/ đang len lỏi xâm nhập vào đời sống văn hóa nước ta và thế giới, thì giờ đây, văn hóa nghĩa hiệp rởm của bọn Bá quyền Đại Hán cũng đang bò vào lòng hám lợi của những người kinh doanh phim ảnh – những người lăm le chinh phục tầng lớp khán giả đói khát những gì mới lạ, ưa hành động và thích cười thỏa thê để quên đi bao nhức nhối xã hội…”

Cũng trong ngày 16/10, báo Tuổi Trẻ tiếp tục loan tin “Nhà trường họp báo nhận sai, thu hồi thư ngỏ vận động học sinh đi xem “Đất rừng phương Nam”’.

Tuổi Trẻ tường thuật, trong cuộc họp báo này, bà Hồ Thị Ngọc Sương – Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Đồng Khởi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh – đã thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, nhận toàn bộ trách nhiệm về sự sai sót này.

Bà Sương cho biết, sai sót của nhà trường ở chỗ chưa có sự đồng thuận của phụ huynh, cũng như chưa xuất phát từ nhu cầu và sự thích thú đối với tác phẩm từ học sinh. Đồng thời, sau khi theo dõi những phản hồi về bộ phim trên mạng xã hội, trường cũng thấy nên tạm dừng.

Hình: Bản tin về việc nhà trường nhận sai

Thu Phương

>>> Liệu Trung Quốc có tha mạng sống cho ông Tổng?

>>> Khi cụ Tổng học Triệu Cao

>>> Cảnh báo Việt Nam ồ ạt đầu tư sân golf khiến diện tích đất canh tác và rừng giảm mạnh?

>>> Gánh khoản nợ hơn 461 ngàn tỷ, VinGroup của ông Vượng trụ bao lâu?

Nghị định mới về quản lý, sử dụng internet là chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận