Link Video: https://youtu.be/-e0DR-tUPw0
Ngày 11/11, VOA Tiếng Việt loan tin “Philippines sẽ tiếp tục tiếp tế cho binh sĩ ở Biển Đông bất chấp tàu Trung Quốc cản trở”.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển của Philippines ngày 11/11 cho biết, họ sẽ duy trì các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cho binh sĩ đồn trú trên một đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, mặc dù họ dự liệu sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc được điều đến khu vực này.
VOA cho biết, Philippines thường xuyên gửi đồ tiếp tế cho một số binh sĩ sống trên một chiếc tàu chiến cũ kĩ, được cố tình cho mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) vào năm 1999, để khẳng định chủ quyền của Manila đối với đảo san hô này.
Trong khi đó, VOA cũng cho biết, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi cạn Second Thomas, và đã điều hàng trăm tàu đến tuần tra ở đó.
VOA dẫn lời người phát ngôn lực lượng Cảnh sát biển Philippines – Jay Tarriela – nói trong một cuộc họp báo rằng:
“Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm này, bất chấp số lượng tàu hạn chế và số lượng tàu Trung Quốc ngày càng tăng mà họ sắp điều động.”
“Chúng ta phải đảm bảo nguồn cung ứng vẫn đến được với binh sĩ của chúng ta.”
Ông Jay Tarriela phát biểu, một ngày sau khi Philippines lên án hải cảnh Trung Quốc, về “những hành động cưỡng ép vô cớ và thao tác nguy hiểm”, bao gồm cả việc dùng vòi rồng xịt vào một trong các tàu của họ, nhằm cố gắng làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế.
VOA dẫn lời Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, ngày 11/11 cho biết, Hải cảnh của họ đã thực hiện các biện pháp chấp pháp cần thiết đối với các tàu Philippines, sau khi các tàu này xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, VOA dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/11 nói, họ đứng về phía Philippines, nước mà Mỹ có hiệp ước phòng thủ. Bộ Ngoại giao Mỹ nói:
“Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng các quyền tự do hàng hải trên biển, được đảm bảo cho tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế.”
Theo RFA, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Washington, đảo ngược lập trường thân Trung Quốc của người tiền nhiệm, và dẫn đến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
Được biết, Bãi Cỏ Mây, hay còn gọi là Bãi cạn Second Thomas, là một rạn san hô vòng, thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Hiện Bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát. Philippines dùng xác chiếc tàu chiến BRP Sierra Madre từ thời Thế chiến Thứ hai, cho mắc cạn tại đây vào năm 1999, để làm chỗ đóng quân cho binh lính làm nhiệm vụ canh gác.
Rạn san hô Bãi Cỏ Mây có hình dạng giống củ cà rốt, với chiều dài tính theo trục chính bắc – nam là 9 hải lý (16,7 km) và chiều rộng tối đa là 3 hải lý (5,6 km) ở gần đầu mút phía bắc. Diện tích của rạn vòng này vào khoảng 60 km².
Bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý (khoảng 200km), và cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 1.000 km, nằm trên cửa ngõ chiến lược đến Bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn. Philippines tuyên bố, Bãi Cỏ Mây “nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này“.
Một bản tin khác của VOA cho biết, lần gần nhất mà Philippines tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây là ngày 4/10 vừa qua.
VOA cũng cho biết, Trung Quốc đã yêu cầu Philippines kéo tàu đi khỏi Bãi Cỏ Mây, nhưng Manila từ chối yêu cầu.
Trong khi Trung Quốc đang tranh chấp với một số nước láng giềng về yêu sách chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông, thì mối quan hệ của nước này với Philippines gần đây đặc biệt căng thẳng vì vấn đề này, đặc biệt kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền Tổng thống Philippines vào năm ngoái.
Ý Nhi
>>> Bộ trưởng Tô Lâm công khai diễn biến tư tưởng và tham vọng quyền lực?
>>> Đường vào tứ trụ của Tô đang bị Thủ bịt, Tô – Thủ “không đội trời chung”
>>> Cảnh báo vấn nạn thông thầu khai thác cát: Tham nhũng “cho ngày nay và muôn đời sau”?
>>> Phạt dân được đút túi, Đảng khuyến khích Công an vì tiền trấn lột dân
Chợ truyền thống ế ẩm, cảnh đìu hiu bao giờ mới hết?