Áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong xét xử đại án một tiền lệ nguy hiểm, coi chừng sẽ bị hồi tố?

Đại án Việt Á là một trong những vụ án tham nhũng tiêu cực, liên quan đến lĩnh vực y tế, lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, cả về quy mô, tính chất, và mức độ phạm tội.

Đã có hàng loạt quan chức cấp cao bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong đó, phải kể tới 3 cựu uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Công luận cho rằng, vụ đại án Việt Á có thể cấu thành hành vi “diệt chủng” có tổ chức, trong việc xử lý đại dịch Covid-19 giai đoạn từ 2019 đến 2021. Vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Việt Nam; đồng thời góp phần làm cho hơn 43 ngàn người Việt Nam phải chết oan ức, bởi sự vô trách nhiệm của nhà nước trong việc xử lý dịch.

Đáng trách hơn, đó là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, khi xử lý tội phạm trong đại án này. Thay vì xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, thì Ban lãnh đạo Đảng lại tìm mọi cách để giảm nhẹ tội cho các quan chức tham nhũng.

Mới nhất, báo Tuổi Trẻ đưa tin với tiêu đề, “Hơn 100 giáo viên, cựu học sinh xin giảm án cho cựu Bí thư Hải Dương trong vụ Việt Á”. Bản tin cho biết, do từng là giáo viên trường Trung học Phổ thông Cầu Xe, huyện Tứ Kỳ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – bị cáo Phạm Xuân Thăng – đã được hơn 100 giáo viên, cựu học sinh trường này, viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, bị cáo Thăng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 – 6 năm tù, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ trong vụ”.

Trước đó, báo Công Lý đưa tin, “Hàng trăm đồng nghiệp có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Bộ trưởng Bộ Y tế”. Theo đó, Luật sư Trần Nam Long, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, cho biết:

“140 đồng nghiệp, trong đó có hơn 40 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành và các học trò, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này. Bên cạnh đó, ông Long cũng đang mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.”

Việc bổ xung các lý do chạy tội cho các quan tham như kể trên, không phải là vấn đề mới, mà là một chủ trương mang tính hệ thống của chính quyền Việt Nam.

Vẫn báo Tuổi Trẻ ngày 27/7/2023 đưa tin, liên quan vụ “chuyến bay giải cứu”, trong thời gian nghị án, một bức tâm thư có chữ ký của 71 cán bộ, giáo viên thuộc trường Trung học Phổ thông Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội, đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch Hà Nội.

Chủ trương “lớn” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là, sẵn sàng giảm nhẹ tội cho các quan chức “nhận hối lộ nhưng không vụ lợi”, hay “lãnh đạo tham nhũng nhưng chủ động nhận tội và khắc phục hậu quả 2/3 thiệt hại gây ra, thì không bị truy cứu hình sự”.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra chủ trương, lấy công trạng hay thành tích để giảm nhẹ tội cho tội phạm, là việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”, là một sự bất bình đẳng, không thể chấp nhận được.

Theo định nghĩa, “Tiêu chuẩn kép là cùng một sự việc, hành động, nhưng lại có nhận định đánh giá theo nhiều hướng khác nhau, xử lý tùy theo cái nào có lợi và phù hợp với mục đích của mình, đa số dùng để bao biện hoặc hợp lý hóa cho hành vi của mình, áp đặt lên phía còn lại.”

Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, việc điều tra, xét xử các vụ án, nếu áp dụng “tiêu chuẩn kép”, có nghĩa là, “hai vụ việc giống nhau được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau”.

Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Công luận đã theo dõi diễn biến tại phiên sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu” trước đây, hay “đại án Việt Á” hiện nay. Công chúng luôn mong muốn, việc xét xử của tòa án phải đảm bảo công bằng, xét xử đúng người đúng tội, phải đảm bảo mọi người đều “bình đẳng trước pháp luật”.

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật có nghĩa là, nhà nước phải bảo đảm tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật, và không bị phân biệt đối xử trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ.

Luật pháp Việt Nam luôn khẳng định, con người sinh ra có thể khác nhau về nhiều mặt, và kể cả địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc chịu trách nhiệm pháp lý. Bất kỳ tổ chức hay công dân nào vi phạm pháp luật, đều bị xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật.

Xin nhắc lại, nói về sự phức tạp của hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật sư Ngô Bá Thành, khi sinh thời có một câu nói nổi tiếng tại nghị trường Quốc hội rằng, “ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”.

Ngày 11/6/2014, Bộ trưởng Tư pháp lúc đó, ông Hà Hùng Cường, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã thẳng thắn thừa nhận rằng: “Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới, xử thế nào cũng được.”

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam xin đừng quên, “không có gì vĩnh viễn và mãi mãi”.

Có thể, vào một ngày không xa, việc xét xử các vụ án theo “tiêu chuẩn kép” như hiện nay, sẽ bị lật lại hồ sơ để hồi tố?

Hãy coi chừng./.

Trà My – Thoibao.de

9.1.2024