Nếu Đảng không xử lý được tham nhũng, thì nên trả quyền làm chủ cho người dân

Ngày 18/6, RFA Tiếng Việt bình luận “Phó ban Nội chính Trung ương bị kỷ luật do tham nhũng: dột từ nóc lan rộng!”

RFA nhắc lại việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên – Phó ban Nội chính Trung ương, tại kỳ họp thứ 42, hôm 15/6.

Ông Yên bị đề nghị kỷ luật vì vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả “rất nghiêm trọng”…

RFA dẫn ý kiến của một người dân ở miền Trung Việt Nam, cho rằng:

“Ban Nội chính Trung ương là Ban có nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, chứ không phải là cơ quan chống tham nhũng, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy vậy, Ban Nội chính Trung ương cũng có thể kết hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc phòng chống tham nhũng.

Do đó, ông Nguyễn Văn Yên – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, bị đề nghị kỷ luật, thì cũng làm ảnh hưởng đến việc phòng chống tham nhũng. Vì lẽ, một cán bộ cấp cao của Đảng mà không gương mẫu, tha hóa, sa đọa… thì sẽ làm giảm lòng tin của người dân đối với công việc phòng chống tham nhũng.”

RFA dẫn lời giải thích của luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, về chức năng nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương. Theo ông Đài:

“Ban Nội chính Trung ương là một cơ quan theo dõi khối nội chính, gồm: cơ quan điều tra là công an, cơ quan truy tố là viện kiểm sát và cơ quan xét xử là tòa án… và đặc biệt, [Ban này] theo dõi rất nhiều vụ án tham nhũng, từ cấp tỉnh trở lên. Bởi vậy, khi có những quan chức ở cấp địa phương mà dính dáng đến tham nhũng, thì thường họ tìm mọi cách để mà “chạy” với các quan chức cao cấp của Ban Nội chính Trung ương, nhằm bao che cho tội lỗi của họ.”

“Một Phó trưởng Ban Nội chính – tức là một người rất có quyền lực, có thể quyết định truy tố một người có tội, hay tha bổng một người đã phạm tội… Do vậy, một ông Phó trưởng Ban Nội chính mà vi phạm kỷ luật, được coi là không còn đảm bảo sự đúng đắn của một cơ quan bảo vệ pháp luật nữa. Vì một người đứng đầu mà như vậy, thì hiển nhiên, cấp dưới của họ sẽ vi phạm rất nhiều. Lãnh đạo vi phạm như vậy, thì những chuyên viên, những người trong Ban Nội chính sẽ vi phạm… không còn đúng là một cơ quan để theo dõi các cơ quan phòng chống tham nhũng khác nữa.”

RFA dẫn tiếp nhận định của ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội trẻ ở Sài Gòn, cho rằng:

“Chuyện lãnh đạo chống tham nhũng mà tham nhũng là chuyện bình thường trong chính trị Việt Nam. Giống như các thứ trưởng Bộ Công an có nhiệm vụ phòng chống cờ bạc, lại là những người bảo kê cho đường dây cờ bạc ngàn tỷ. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để người ta kiếm thêm tiền tham nhũng.”

“Giống như người đứng đầu Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “chống tham nhũng là ta tự đánh ta”.”

Theo ông Quân, cần phải coi lại cơ chế chống tham nhũng của Đảng Cộng sản hiện nay. Ông Quân cho biết thêm:

“Nếu thật sự muốn chống tham nhũng, thì phải tôn trọng ý kiến của người dân. Chứ hiện nay, người dân thường mà tố cáo tham nhũng, là sẽ bị công an trừng phạt bằng nhiều biện pháp, như cô lập kinh tế hoặc thậm chí bắt giam người tố cáo. Còn người bị tố cáo thì càng ngày càng thăng tiến, thì ai mà dám tố cáo tham nhũng nữa. Phải đợi thế lực sau lên, trả thù thế lực trước, rồi mới có người bị xử lý thì không được. Đó là hình thức trả thù của giang hồ chứ không phải trong một xã hội pháp quyền.”

Còn nếu Đảng Cộng sản không xử lý được nạn tham nhũng, thì theo ông Quân, họ nên trả quyền làm chủ đất nước lại cho người dân, để người dân được tự do bầu chọn ra các lãnh đạo có tài có đức cho đất nước.

 

Hoàng Anh – thoibao.de