Bất ổn chính trị thượng tầng làm trầm trọng thêm thực trạng bế tắc trên tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam

Ngày 10/5, RFA Tiếng Việt bình luận về đề tài “Xung đột nội bộ ảnh hưởng đến tương lai Việt Nam thế nào?”

RFA đề cập đến những biến động ở thượng tầng chính trị Việt Nam thời gian qua, và đặt vấn đề: Vậy cuộc cạnh tranh quyền lực này có thể ảnh hưởng như thế nào đến tương lai Việt Nam?

RFA dẫn nhân định của Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho rằng:

“Chế độ Cộng sản không xây dựng, điều hành chính quyền theo các nguyên tắc quản lý xã hội thông thường, và bằng các quy định pháp luật theo quy chuẩn. Thế nên, họ thay thế điều đó bằng cách sử dụng biện pháp tuyên truyền, như là một trong những cách thức điều hành xã hội. 

Do đó, các định chế chính quyền như quyền lực nhà nước, quốc hội, chính phủ, tòa án, truyền thông… đều mang ý nghĩa khác với thế giới đang hiểu và hoàn toàn phụ thuộc vào sự lãnh đạo duy nhất từ định chế Đảng Cộng sản.”   

Theo Luật sư Mạnh, trong cuộc tranh giành quyền lực vừa qua, xuất hiện hoạt động “tuyên truyền hạ bệ”, được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn tuyên truyền thuyết phục và giai đoạn tuyên truyền thông tin.

Luật sư Mạnh phân tích:

“Trong giai đoạn tuyên truyền thuyết phục, họ tung tin đồn không chính thức ra ngoài xã hội, với mục tiêu chuẩn bị dư luận, thuyết phục công chúng và thuyết phục chính bản thân quan chức bị hạ bệ. Sau khi sự việc đã an bài, họ mới thực hiện việc thông tin chính thức cho giới truyền thông chính thống.” 

“Truyền thông chính thống của Nhà nước chỉ còn làm mỗi việc sau cùng là đưa tin về một sự việc đã được thu xếp hoàn tất.”

RFA dẫn quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ, cho rằng, ông Tô Lâm là người trực tiếp “cầm củi cho vào lò”, vì vậy, nếu đến hết nhiệm kỳ 2021 – 2026 mà “ổng về hưu thì cũng kẹt cho ổng lắm”, và Tô Lâm đang nhắm đến vị trí cao hơn.

Luật sư Mạnh tin rằng, “trong hầu hết thời gian “đốt lò”, thì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là người “cầm trịch”, nhưng “sau trường hợp ông Thưởng và ông Huệ” thì người “cầm trịch” “đã chuyển qua tay ông Tô Lâm”. 

Theo luật sư Mạnh, “ông Tô Lâm hạ bệ hai ông Thưởng và Huệ vì động cơ tham vọng quyền lực cá nhân” nhưng “không sai”.

“Điều này phản ánh bản chất nền chính trị hỗn mang Việt Nam, vốn không hoạt động dựa trên những nguyên tắc dân chủ, mà khởi đầu bằng một sự thoán đạt quyền lực “Cướp chính quyền”, và duy trì điều đó cho đến nay. Chế độ và cả đất nước này đang phải trả giá cho sự hỗn mang chính trị đó” – Luật sư Mạnh nói.

Về ảnh hưởng từ sự xáo trộn ở thượng tầng chính trị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ cho rằng, có thể sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp trong ngắn hạn, tuy nhiên, về chiến lược dài hạn thì “đáng ngại hơn nhiều”.

Theo Tiến sĩ Chữ, một khi Việt Nam không còn quan trọng với Tây phương nữa, thì dù muốn dù không, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “Phần Lan hóa”.

RFA giải thích, trong chiến tranh lạnh, Liên Xô cho Phần Lan có nền chính trị độc lập, nhưng kiểm soát mạnh mẽ chính sách của họ, đặc biệt là chính sách đối ngoại. Đối với trường hợp Việt Nam ngày nay, nếu bị Tây phương bỏ qua, thì sẽ bị Trung Quốc kiểm soát, tương tự Phần Lan trước đây.

Luật sư Mạnh cũng cho rằng, khi cuộc “đốt lò” đã chuyển thành cuộc “rối ren” trên thượng tầng chính trị, thì sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề của đất nước. “Sau nửa thế kỷ nắm giữ quyền lực chính trị thống nhất trong toàn lãnh thổ, cho đến trước thời điểm phát sinh ra các rối ren chính trị ở cấp lãnh đạo cao cấp trong thời gian gần đây, thì chế độ Cộng sản chưa từng thể hiện được khả năng phát triển quốc gia.”

“Lúc này, nền kinh tế cùng hàng loạt lĩnh vực khác như tài chính, giáo dục, y tế… kể cả các giá trị tinh thần như dân khí, đạo đức… đều đang lao dốc không phanh. Theo đó, sự bất ổn chính trị hiện nay sẽ chỉ làm trầm trọng hơn điều đó mà thôi. Tôi thật sự bi quan về hiện tình đất nước” – ông Mạnh bày tỏ quan điểm.

 

Xuân Hưng – thoibao.de