Vì sao Trung Quốc sẽ không để yên, và Tô Đại sẽ bắt đầu một giai đoạn đầy sóng gió?

Không thể kéo dài tình trạng đất nước để trống vắng 2 ghế quan trọng là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt ghế Chủ tịch Quốc hội. Điều này khiến cho nền chính trị Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt giới quan sát và các nhà đầu tư quốc tế.

Vì vậy, kỳ họp thường niên của Quốc hội lần thứ 7, sẽ khai mạc ngày 20/5, có một nội dung quan trọng là bầu 2 chức danh nêu trên. Đó cũng là lý do để Hội nghị Trung ương 9 của Đảng sẽ khai mạc vào sáng 16/5 tới đây.

Có nhiều đồn đại khác nhau trên mạng xã hội của người Việt, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng cao, ông Tô Lâm sẽ “bị ép” ngồi vào ghế Chủ tịch nước, với lý do, để ông có đủ điều kiện ở lại trong “Danh sách Nhân sự chủ chốt” của Đại hội 14.

Ông Tô Lâm không nhận được sự ủng hộ từ những thành viên còn lại của Bộ Chính trị. Hơn nữa, ông bị đánh giá là một chính khách không đủ đạo đức cũng như tư cách, để trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

BBC Việt ngữ mới đây có bài với tiêu đề, “Chính trị Việt Nam biến động, tại sao lại nhắc tới Trung Quốc”. Trong đó đưa ra nhận xét:

“Nhìn lại những tháng đầu năm nay, có thể thấy rằng, chính trường Việt Nam đang trải qua giai đoạn rung lắc dữ dội.”

“Quan sát điều này, nhiều nhà phân tích quốc tế đưa ra nhiều đánh giá và câu hỏi về tương lai của Việt Nam. Đột nhiên, “người anh em Cộng sản” Trung Quốc được nhắc tới.”

Nhận xét của BBC không phải là mới, nhưng đây là phát hiện có ý nghĩa trong thời điểm này, liên quan đến ứng viên cho chức Tổng Bí thư, để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.

Lãnh đạo Trung Nam Hải lâu nay đã can thiệp sâu vào nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này đã trở thành là một nguyên tắc “bất di bất dịch”, từ sau Hội nghị Thành Đô 1990. Người trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, dứt khoát phải được thiên triều chấp thuận. Đây là điều không thể đảo ngược.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm – nhân vật được đánh giá là có quyền lực “vô đối”, mà Tổng Trọng cũng phải dè chừng. Bằng chứng là, chỉ trong vòng 35 ngày, Tô Lâm đã đánh gục 2 nhân vật Tứ trụ đầy quyền uy, 2 học trò thân cận do tự tay Tổng Trọng dìu dắt, mà không hề run tay.

Việc Bộ trưởng Tô Lâm lên kế hoạch và ra tay hạ bệ Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ – ứng viên số 1 cho chiếc ghế Tổng Bí thư,  trong và sau chuyến thăm Bắc Kinh cấp nhà nước của Huệ Vương, là một điều phạm thượng.

Với chiến thuật nhanh chóng bất ngờ, Tô Lâm lập tức cho công bố tin bắt Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, với cáo buộc nhận 2,2 nghìn tỷ hối lộ từ Tập đoàn Thuận An, một sân sau của phe Nghệ An. Hơn thế nữa, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng, còn được cho là cháu của Huệ Vương.

Với những tài liệu được truyền thông nhà nước đồng loạt công khai, cộng thêm các bằng chức xác đáng không thể chối cãi, đã khiến Trung Nam Hải phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và nuốt hận vào trong. Nhưng chắc chắn, Bắc Kinh sẽ không để cho Tô Lâm được yên.

Việc Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Hạ Vi bất ngờ sang thăm Việt Nam, trong vai trò trung gian hòa giải, được đánh giá là giải pháp “còn nước, còn tát”, trước khi Bắc Kinh tung đòn trừng phạt mạnh mẽ.

Nhiều ý kiến phản bác quan điểm trên, dẫn thông tin từ báo Công An Nhân Dân cho biết, khi gặp ông Trần Tư Nguyên – Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 10/1, Tô Lâm đã đề nghị, “lãnh đạo Công an Trung Quốc giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa, cũng như các cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng và chế độ Xã hội Chủ nghĩa”. Dẫn chứng này củng cố lập luận cho rằng, Trung Quốc đã “nhắm” Tô Lâm cho vị trí quyền lực hàng đầu Việt Nam.

Đừng quên, thoả thuận của Tô Lâm chỉ là sự cam kết giữa 2 bộ, trong 2 chính phủ, 2 nhà nước cùng đi theo mô hình nhà nước “công an trị”. Hơn nữa, chưa bao giờ, Tô Lâm được tiếp kiến Tập Chủ tịch một cách chính thức.

Trong quá khứ, bài học của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn – một nhân vật đầy quyền lực của Đảng, do đã làm phật lòng “thiên triều”, Bắc Kinh đã phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn, để dạy cho Việt Nam “một bài học”.

Nói thế để thấy, ông Tô Lâm phải hết cẩn thận, vì đã có hành vi được cho là hỗn hào, “vuốt mặt không nể mũi” đối với Bắc Kinh.

Những điều vừa kể để thấy, đã bắt đầu cho một giai đoạn đầy sóng gió đối với Bộ trưởng Tô Lâm, trong cuộc chơi “vương quyền”.

Chúng ta hãy chờ xem./.

 

Trà My – Thoibao.de