Hội nghị Trung ương 9 bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bà Trương Thị Mai xin nghỉ

Ngày 14/5, báo Tiếng Dân đăng “Tin nóng về Hội nghị Trung ương 9 sắp diễn ra” của tác giả Lê Văn Đoành.

Tác giả cho biết, trong những thông tin đang nhiễu loạn trên mạng xã hội, tác giả đã kiểm chứng được một số thông tin

Cụ thể, nội dung Hội nghị Trung ương 9, khoá 13, gói gọn trong những vấn đề cơ bản:

  1. Bầu bổ sung các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư;
  2. Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 7, diễn ra ngày 20/5, bầu chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội.
  3. Xem xét và đưa ra ý kiến về việc cho thôi các chức vụ, cho nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Tác giả cũng cho biết, bà Trương Thị Mai đã có đơn xin thôi tất cả các chức vụ, nghỉ công tác, vì lý do sức khoẻ, từ trước.

Tác giả khẳng định không có mối quan hệ và bất kỳ lợi ích nào liên quan bà Mai. Việc đưa thông tin chỉ nhằm mục đích đem đến sự thật cho độc giả, vì hiện nay, tin đồn liên quan bà Mai thật giả lẫn lộn.

Một số thông tin liên quan tới bà Mai, mà tác giả đã kiểm chứng, như sau:

  • Bà Mai đã có đơn xin nghỉ việc từ khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định thành lập đoàn “Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Vương Đình Huệ”, hôm 20/4. Ông Trọng động viên bà Mai ở lại để giữ chức Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội, nhưng bà kiên quyết từ chối.
  • Các phe tấn công bà Mai tung tin hỏa mù rằng, bà can thiệp cho nhóm Trương Mỹ Lan – Nguyễn Cao Trí để có được dự án Đại Ninh, là không đúng sự thật.
  • Tin đồn bà được tặng một biệt thự đắt tiền ở Sài Gòn, cũng là tin vu khống.
  • Bà Mai là một phụ nữ không chồng, không con; bà được đánh giá là nhân vật “sạch sẽ” nhất trong Trung ương Đảng. Bà xin nghỉ việc không liên quan gì tới Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí, hay dự án Đại Ninh.

Tác giả đánh giá, việc các thế lực giấu mặt trong Đảng nguỵ tạo chứng cứ, bịa đặt và bôi nhọ bà Mai, là việc làm bất nhân, đáng hổ thẹn. Tin vịt mà những nhân vật giấu mặt này đã tung ra để đánh bà Mai vừa qua, cho thấy, cái gọi là giới “tinh hoa trong Đảng”, khoác áo chính trị gia cấp cao, thật ra chỉ là những kẻ tiểu nhân và tầm thường.

Theo tác giả, dự kiến, sáng 19/5, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ nhóm họp, để phân công nhiệm vụ các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngồi vào các vị trí chủ chốt bị khuyết, hoặc sẽ có sự thay đổi.

Danh sách đề cử chính thức hiện vẫn chưa có. Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình nhân sự, Trung ương sẽ cho ý kiến đề cử, để bổ sung danh sách, sau đó chốt số lượng và tiến hành bỏ phiếu kín.

Thông tin nội bộ mà tác giả có được, sẽ có 5 người được đề cử trong danh sách ứng viên Bộ Chính trị, để bầu 4 người. Riêng Ban Bí thư sẽ đề cử 3 người, bầu 2 người.

Cũng theo thông tin “rò rỉ” mà tác giả có được, nhân sự cấp cao của Đảng sẽ có những thay đổi căn bản. Bộ Chính trị dự kiến trình Trung ương bỏ phiếu giới thiệu các nhân vật:

  • Tô Lâm – Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, Bộ trưởng Bộ Công an, ứng cử chức danh Chủ tịch nước.
  • Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, ứng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Tác giả bình luận, không chỉ khủng hoảng nhân sự cấp cao, chính trường Việt Nam hiện đang hết sức hỗn loạn và phức tạp. Công cuộc đốt lò “không có vùng cấm” của ông Nguyễn Phú Trọng, đã giúp các phe phái mượn cớ thanh trừng, tiêu diệt lẫn nhau, đến nay chưa có hồi kết.

Lịch sử Đảng từ đầu thập niên 1960 đến nay, những chiếc ghế quyền lực “đặc quyền đặc lợi” trong đảng, trở thành mục tiêu cho các phe phải săn đuổi, tranh giành hết sức khốc liệt, đẫm máu và chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào.

 

Xuân Hưng – thoibao.de