Hôn nhân cận huyết về chính trị khiến Đảng khủng hoảng

Ngày 17/5, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận ‘“Ổn định chính trị” giá bao nhiêu?”

Tác giả đề cập đến việc thêm một thành viên nữa của Bộ Chính trị, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 13, “nhất trí” cho “thôi” làm ủy viên của cả Bộ Chính trị lẫn Ban Chấp hành Trung ương khóa này. Đó là bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư.

Điều đáng nói là, tác giả châm chọc, do sai lầm trong chọn, cử, diễn ra liên tục, nên phải luân phiên gật, lắc. Đến giờ, nhân sự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội vẫn khuyết, cùng chờ bổ sung, do những cá nhân được chọn, cử giữ các vai trò này cũng có vấn đề gì đó về “trách nhiệm”!

Tác giả trào phúng, do vậy, không ai dám chắc, sự “nhất trí” trong chọn, cử có lầm và sai nữa hay không! Nếu các tin đồn lại đúng, như đã từng rất đúng, thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa này sẽ còn phải họp nhiều lần nữa, để “nhất trí” cho phần lớn uỷ viên Bộ Chính trị đương nhiệm “thôi” mọi thứ, khi thời thế khiến các đương sự đột nhiên “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân” như 6 đồng đảng từng bị buộc hạ cánh!

Tác giả nhắc tới việc Hội nghị Trung ương 9 vừa bổ sung 4 cá nhân vào Bộ Chính trị, thay cho 6 uỷ viên Bộ Chính trị đã được “nhất trí” cho “thôi” mọi thứ. Cả 4 người – Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến – đều là thành viên Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa này. Với 4 cá nhân mới được bổ sung, liệu tính hình kinh tế – xã hội, tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc có khá hơn chăng?

Theo tác giả, câu trả lời là chẳng có gì chắc! Khi Đảng vẫn khăng khăng nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và 50% thành viên Bộ Chính trị xuất thân từ lực lượng chuyên dùng súng, thì có thể hy vọng gì khác? Trong 16 thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm, có 8 xuất thân từ lực lượng vũ trang…

Tám thành viên còn lại của Bộ Chính trị, có 2 chuyên về “lý luận xây dựng Đảng và Chủ nghĩa Xã hội” (Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Thắng), phần lớn những thành viên còn lại, nếu không xuất thân từ các tổ chức mà dân chúng ví von là “cờ, đèn, kèn, trống” như ông Trần Thanh Mẫn (cán bộ Đoàn), thì gần như, toàn bộ cuộc đời cũng gắn với các doanh nghiệp nhà nước và công tác Đảng!

Tác giả bình luận, không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia về Việt Nam đề cập đến “khủng hoảng nhân sự thượng tầng”. Nguyên nhân không phải do Việt Nam thiếu những cá nhân đủ khả năng lãnh đạo quốc gia, dân tộc, mà vì giới lãnh đạo Đảng tự đặt định các tiêu chí, sao cho việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự có lợi nhất cho chính họ.

Những đòi hỏi kiểu như “chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” trong Quy định số 214-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, ban hành cách nay 4 năm, được xem là nguyên nhân dẫn tới cuộc tàn sát các ứng cử viên của nhiệm kỳ tới. Chưa kể việc cố tình “sáng tạo” hàng loạt yêu cầu phi lý về quy hoạch nhân sự, đang tạo ra một cuộc hôn nhân cận huyết về chính trị.

Tác giả kết luận, nhân danh “ổn định chính trị” để đặt định những quy định vô lối, lạc hậu trong lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo quốc gia, dân tộc, không chỉ khiến Đảng phải trả giá đắt về uy tín. Cái gọi là “ổn định chính trị” ấy đã, đang và sẽ còn gieo rắc vô số tai họa cho xứ sở, và nhấn dân tộc này sâu hơn vào lầm than. Tại sao hàng trăm triệu người phải hi sinh no ấm, cho sự “ổn định” tương lai chính trị của một nhúm người?

 

Quang Minh – thoibao.de