Vì sao Thủ Chính gạt bỏ quý tử nhà Ba Dũng?

Kỷ lục về ghế trống không phải là ghế Chủ tịch nước mới gần 2 tháng mới có chủ, mà là ghế Phó Thủ tướng do ông Lê Văn Thành để lại.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mất khi đang tại chức, vào ngày 22/8/2023. Tuy nhiên, ghế của ông vẫn để trống đến tận ngày 6/6, tức là, đến hơn 9 tháng sau, chiếc ghế này mới có chủ.

Chủ nhân mới của ghế này là ông Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Long là người gốc Thanh Hóa, cùng quê với ông Phạm Minh Chính, xem như, được Phạm Minh Chính một tay cất nhắc lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao, ông Chính không cất nhắc Nguyễn Thanh Nghị – con trai ông Nguyễn Tấn Dũng, mà lại cất nhắc Lê Thành Long? Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính từng được Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ.

Hiện nay, hiện tượng cục bộ địa phương rất nghiêm trọng, các quan chức xuất thân cùng một địa phương liên kết với nhau rất chặt chẽ. Có thể kể đến một số nhóm mạnh trong Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Ninh Bình vv… Vì vậy, nếu nhóm Thanh Hóa không tranh thủ liên kết để có sức mạnh, thì rất khó để trụ vững.

Ông Tổng Bí thư là người Đông Anh – Hà Nội, thế nhưng, ông lại ưa dùng “kẻ ngoại đạo”, chứ không kéo bè kết cánh nhóm Hà Nội thành một thế lực. Ông dùng Vương Đình Huệ – người Nghệ An, ông dùng Võ Văn Thưởng – người Vĩnh Long, và ông dùng Tô Lâm – người Hưng Yên vv… Tuy nhiên, ông lại bị Tô Lâm làm phản đến mức mất hết thực quyền, đấy là bài học cho những người còn lại. Càng đấu đá, họ càng cần phải liên kết những thế lực cùng quê, để tạo hậu thuẫn an toàn.

Nhóm Thanh Hóa của Phạm Minh Chính chỉ có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, cũng là chính ông, có 4 uỷ viên Trung ương Đảng, gồm: Đỗ Trọng Hưng – Bí thư tỉnh Thanh Hóa; Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ tư Pháp, mới được bầu vào ghế Phó Thủ tướng; Lê Ngọc Quang – Tổng Giám đốc đài Truyền hình Việt Nam; và Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư tỉnh Bắc Ninh.

Trong 4 uỷ viên Trung ương Đảng của nhóm Thanh Hóa, ông Lê Thanh Long là có triển vọng hơn, bởi ông này đang ở Trung ương. Ba người còn lại, hoặc ở địa phương, hoặc trong Đài truyền hình, nên con đường tiến vào Bộ Chính trị còn rất xa.

Dù ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hay ngồi ghế Phó Thủ tướng, ông Lê Thành Long đều là Ủy viên Trung ương Đảng. Tuy nhiên, nếu chỉ ngồi ghế Bộ trưởng, thì khả năng vào Bộ Chính trị là rất thấp. Hiện nay, Chính phủ đã có đủ 4 phó thủ tướng, nhưng chưa có ông nào là uỷ viên Bộ Chính trị. Vẫn còn một suất Ủy viên Bộ Chính trị dành cho nhóm phó thủ tướng. Việc Lê Thành Long lên được Phó Thủ tướng, xem như, Thanh Hóa có thêm một cơ hội, để có thêm một Ủy viên Bộ Chính trị nữa.

Người Cộng sản vốn không coi trọng ân nghĩa, cho nên, khi đứng giữa một bên là ân nghĩa và bên kia là lợi ích địa phương, thì Phạm Minh Chính sẽ gạt bỏ ân nghĩa, để ủng hộ người cùng địa phương lên ghế Phó Thủ tướng. Ít nhất, việc này cũng tạo cho phe Thanh Hóa của ông có cơ hội cao hơn, trong việc giành lấy vị trí trong Bộ Chính trị. Nếu chọn Nguyễn Thanh Nghị, và giả sử, Nghị vào được Bộ Chính Trị, thì sau đó, Nghị sẽ sát cánh cùng Phạm Minh Chính, hay lại tìm cách xây dựng vây cánh Kiên Giang cho “bằng chị bằng em”?

Phạm Minh Chính luôn được xem là kẻ thức thời, nên sẽ không hy sinh quyền lợi của nhóm lợi ích, vì ân nghĩa quá khứ một cách viển vông.

Nói cho cùng, những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng còn lại, chỉ là cái bóng của ông ở thời huy hoàng. Nếu vì một Nguyễn Tấn Dũng đã hết thời, mà để phe Thanh Hóa mất cơ hội lớn mạnh, đồng nghĩa, Phạm Minh Chính tự hại chính mình. Trong thời buổi nhiễu nhương, khi các nhóm lợi ích địa phương đánh nhau không khoan nhượng, thì tất nhiên, ông Chính phải tự bảo vệ bản thân, trước khi nói chuyện tình nghĩa.

 

Trần Chương – Thoibao.de