Vì sao Tổng Trọng vẫn cho in và phát hành sách lý luận, dù không có ích lợi gì?

Trên mạng xã hội, trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng luôn trong tình trạng tuổi cao sức yếu. Ông Trọng đã ngoài 80 tuổi, thời gian ở Bệnh viện nhiều hơn thời gian làm việc, cũng như ở nhà, là điều dễ hiểu.

Nhưng với một tình trạng sức khỏe như vậy, việc Tổng Trọng vẫn thường xuyên viết sách, và được ấn hành để làm tài liệu học tập (?!), là điều khá bất thường, nhất là mỗi cuốn sách đều có độ dày tới 600 trang.

Mới nhất, Tạp chí Cộng sản ngày 21/6 đưa tin, “Lễ ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Bản tin cho biết, ngày 21/6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, đã phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự buổi lễ có các nhân vật: Ông Lương Cường – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; và nhiều lãnh đạo cấp cao khác…

Cũng theo Tạp chí Cộng sản, trong năm 2023,  Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có ít nhất 3 lần, viết, xuất bản, in và phát hành các tuyển tập chính trị. Cụ thể:

– Đầu năm 2023, xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, dày hơn 600 trang và có gần 100 hình ảnh minh hoạ.

– Tháng 5/2023, xuất bản 2 cuốn sách, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

– Tháng 11/2023, xuất bản cuốn sách có tựa đề “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, cũng dày hơn 600 trang, và gần 100 hình ảnh minh hoạ.

Chưa hết, tháng 2/2024, truyền thông nhà nước cũng đưa tin về lễ “Ra mắt hai cuốn sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Theo giới thiệu của Ban Tuyên giáo Trung ương, “Những cuốn sách này được Ban Nội chính Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, và xuất bản ra mắt công chúng.”

Công luận thấy rằng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm cuối đời, đã có những biểu hiện “lạm dụng”, in và xuất bản quá nhiều sách lý luận, với số lượng hàng chục nghìn ấn bản cho mỗi đầu sách, là điều hết sức lãng phí. Đồng thời, công luận cũng đặt câu hỏi: “Sách chống tham nhũng của Tổng Bí thư in ra cho ai đọc?”.

Facebooker Kim Van Chinh – nguyên giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, viết trên trang cá nhân với nhận xét bóng gió:

“Theo báo đưa tin: sách 900 trang, nhưng được viết trong 27 tháng. Tổng Bí thư viết nhanh như vậy là rất giỏi. Đọc tin, tôi cứ thấy tác phẩm này rất giống bộ 3 tác phẩm vĩ đại của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô Bregienhev, viết cũng khi về già.

Giống nữa là, sắp tới, các sinh viên chắc phải học tướt bơ (theo lời của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói vậy). Làm tôi nhớ lại, xưa tôi cũng được học bộ 3 tác phẩm của lãnh tụ Bregienhev kính mến … Nhưng giờ quên hết rồi.”

Mới nhất, ngày 21/6, Giáo sư Zachary Abuza trong bài bình luận với tựa đề, “Khất sĩ Thích Minh Tuệ mang đến sự tương phản đáng hổ thẹn cho giới lãnh đạo Việt Nam”, khi nhận xét về Tổng Trọng, đã viết:

“Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng cũng mang đến những thiệt hại lâu dài cho hình ảnh của Đảng. Chiến dịch này đã phơi bày một sự thật không lấy gì làm vui vẻ. Đó là: Không chỉ có một hay hai “con sâu” trong giới lãnh đạo cấp cao, mà tất cả, 100% đều dính dáng đến tham nhũng. Để rồi, sự thật về các nhà lãnh đạo cấp cao lần lượt được phơi bày ra trước công chúng.”

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, Tổng Trọng lấy tiền ngân sách để “đánh bóng” tên tuổi của mình, và quan trọng hơn, sẽ mang lại cho ông Trọng một khoản tiền nhận bút không nhỏ. Đó là chưa kể chi phí cho việc tổ chức các buổi lễ ra mắt sách rầm rộ và rất tốn kém./.

 

Trà My – Thoibao.de