NÓNG: Thái Lan bắt giữ nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap, theo yêu cầu của Việt Nam?

Người tị nạn người Thượng tại Thái Lan đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm, đặc biệt là những người có tên trong danh sách truy nã của Công an Cộng sản Việt Nam

Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày 25/6 đưa tin, “Thái Lan xác nhận bắt giữ Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Việt Nam”. Bản tin cho biết, một tòa án Thái Lan đã ban hành lệnh bắt giữ ông Y Quynh Bdap “theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam, dựa trên phán quyết của tòa án Việt Nam rằng, ông Bdap phạm tội khủng bố”.

Được biết, ông Y Quynh Bdap đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 11/6, với cáo buộc lưu trú quá hạn. Theo đó, ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, là thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) – một tổ chức chuyên đấu tranh cho nhân quyền, và quyền tự do tôn giáo của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Ông đã bị chính quyền Việt Nam đàn áp, sau các hoạt động nhằm cổ vũ cho nhân quyền và tự do tôn giáo của người Thượng, ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.

Năm 2018, ông đưa gia đình sang tị nạn tại Thái Lan, và đã được Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn, chờ đi định cư ở quốc gia thứ 3.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng, bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Thái Lan bắt giữ và trục xuất ông Y Quynh Bdap về nước. Đồng thời lo ngại, ông sẽ phải chịu án tù lên tới 10 năm, với tội danh khủng bố, liên quan đến vụ tấn công vào 2 trụ sở của chính quyền địa phương ở tỉnh Đắk Lắk, hồi tháng 6/2023. Nhưng ông Y Quynh Bdap đã bác bỏ tất cả mọi cáo buộc đối với ông, trong vụ án vừa kể.

Tướng Cảnh sát Thái Lan Khemmarin Hassiri, cố vấn cho Phó Cảnh sát trưởng Thái Lan, cho biết, vụ việc của ông Y Quynh Bdap đã được tòa hình sự của Thái Lan lên lịch, và dự kiến sẽ đưa ra xét xử vào ngày 15/7 tới đây.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA cho biết, họ đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội, và đề nghị cho ý kiến về xác nhận trên của nhà chức trách Thái Lan, nhưng đến lúc này vẫn chưa nhận được phản hồi.

Được biết, vụ bắt giữ này đã gây chấn động cộng đồng người Việt Nam tị nạn tại Thái Lan, đặc biệt là Cộng đồng của người Tây Nguyên đang tị nạn tại nước này. Họ đã kêu gọi các tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế, lên tiếng kêu gọi Thái Lan không cưỡng ép ông Y Quynh Bdap hồi hương, vì lo ngại cho sự an toàn của ông này.

Theo ông Y Phic Hdok, đồng sáng lập viên của nhóm Người Thượng Vì Công Lý, đã đưa ra tuyên bố:

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cân nhắc kỹ lưỡng và tôn trọng nhân quyền.”

“Việc cáo buộc ông [Y Quynh Bdap] cư trú bất hợp pháp là điều không công bằng, khi ông có lý do chính đáng để xin tỵ nạn.”

Ông Y Phic Hdok cho rằng, nếu bị ép buộc trở về quê hương, sẽ là một điều cực kỳ nguy hiểm đối với sinh mạng của ông Y Quynh Bdap.

VOA cho biết, Giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), bà Elaine Pearson, đã viết trên trang X (mạng xã hội Twitter cũ) ngày 23/6, khẳng định rằng:

“HRW rất quan ngại về sự an toàn của ông Y Quynh Bdap, và về khả năng ông được xét xử công bằng tại Việt Nam.”

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã đồng loạt bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc”, về việc chính quyền Thái Lan bắt giữ ông Y Quynh Bdap. Đồng thời, kêu gọi trả tự do cho ông này “ngay lập tức và vô điều kiện”, và dứt khoát không được dẫn độ ông về Việt Nam. Theo VOA, Thái Lan và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán về một hiệp định dẫn độ chính thức trong vài tháng tới đây.

Thái Lan từ lâu đã không an toàn cho người tị nạn chính trị đến từ Việt Nam, với hàng loạt các vụ bắt cóc đình đám của an ninh Cộng sản Việt Nam. Như vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất vào năm 2019, và vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái ngày 13/4/2023, là những ví dụ điển hình, bị giới bảo vệ nhân quyền cực lực phản đối./.

 

Trà My – Thoibao.de