Bành trướng quyền lực quá lớn: Tô Đại đang thách thức sự kiên nhẫn của quân đội?

Kể từ ngày 1/7, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, chính thức có hiệu lực thi hành. Bộ luật này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 28/11/2023.

Theo đó, các địa phương trên cả nước sẽ kiện toàn 3 lực lượng có sẵn: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng, trở thành một lực lượng duy nhất.

Báo Tiền Phong ngày 1/7 loan tin, “Lễ ra mắt gần 300.000 thành viên tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”. Bản tin cho biết, sáng ngày 1/7, các địa phương trên toàn quốc đã đồng loạt tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Theo bài báo, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được bao hành, với mục đích tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng lực lượng ở cấp tổ dân phố, để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Theo quy định của luật, địa bàn phụ trách của tổ bảo vệ an ninh trật tự, là một hoặc một số thôn, tổ dân phố, thuộc đơn vị hành chính cấp xã, hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Theo giới quan sát, việc cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm thành công trong việc được Quốc hội thông qua Luật nói trên, vào cuối năm 2023, đã tăng cường sức mạnh đáng kể cho Bộ Công an.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề chính trị Việt Nam, cho biết, theo số liệu mà ông có được, vào năm 2015, quân số thuộc quyền điều động của Bộ Công an Việt Nam vào khoảng 6.700.000 người, bao gồm lực lượng an ninh công an chính quy và bán chuyên trách; như công an cấp xã, dân quân tự vệ, dân phòng và bảo vệ dân phố.

Kể từ ngày 1/7, Bộ Công an cho biết, số lượng nhân sự được bổ sung thêm là 291.409 thành viên.

Được biết, năm 2018, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã đề nghị chính sách, sẽ đưa thêm 25 ngàn công an chính quy về cấp xã, để bảo vệ an ninh ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, chủ trương này không được sự ủng hộ của công luận. Dư luận lo ngại chủ trương này sẽ tăng thêm nhân lực và biên chế của ngành công an.

Đến năm 2020, ông Tô Lâm lại trình Quốc hội Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở, nhưng một lần nữa, cũng vấp phải sự phản đối của công luận, nhất là các tướng lĩnh quân đội.

Tại phiên họp Quốc hội khóa 14, ngày 17/1/2020, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 – Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi: Liệu có cần thêm một lực lượng vũ trang nữa không, khi lực lượng công an đã quá đông? Theo Tướng Sùng Thìn Cò:

“Bây giờ, một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ, lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?”

Thiếu Sùng Thìn Cò so sánh mô hình quản lý lực lượng vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo ông:

“Trung Quốc lớn như thế, nhưng họ chỉ có lực lượng vũ trang quân đội. Công an chỉ là lực lượng bán vũ trang… Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu Quốc hội phải hết sức cân nhắc.”

Cũng trong kỳ họp này, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng cũng phản đối, khi cho rằng:

“Con số 1,5 triệu người sẽ được tuyển dụng vào Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, sẽ là một gánh nặng cho ngân sách, là không cần thiết.”

Đó là lý do vì sao, Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, do Bộ Công an đề xuất, đến tháng 11/2020, không được Quốc hội tán thành và thông qua. Có 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa cần thiết xây dựng Luật này. Cố đại biểu đồng ý chỉ là 96 người (19,96%). Lý do phản đối là, lực lượng này sẽ làm cho bộ máy bị phình ra, và ngân sách sẽ phải tiêu tốn một khoảng lớn để nuôi họ.

Theo giới phân tích, tháng 6/2023, sau khi vụ bạo loạn tại Tây Nguyên xảy ra, Tô Lâm đã lấy sự kiện này làm cái cớ, để ép lãnh đạo các cấp rằng, cần phải xây dựng lực lượng an ninh cơ sở, để làm tai mắt cho ngành công an. Đến ngày 28/11/2023, Quốc hội đã phải thông qua “Dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, với 386 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 78,14%.

Giới quan sát đánh giá, đây là một chính sách, không chỉ nhằm mục đích bành trướng quyền lực của ngành công an, mà còn là biện pháp tăng cường sự kìm kẹp của nhà nước công an trị ở Việt Nam, xuống tận cấp cơ sở là tổ dân phố. Điều này sẽ tạo điều kiện cho chính quyền giám sát mọi hành vi của tất cả công dân, nhằm hạn chế quyền tự do của họ./.

 

Trà My – Thoibao.de