Tổng Trọng sắp đi, để lại một Tô Đại náo và một Ban Bí thư đổ nát!

Với sức khỏe hiện nay, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi theo Karl Marx Lênin chỉ là vấn đề thời gian. Con mãnh thú già và đang thoi thóp gom chút hơi tàn, con mãnh thú đang trên đỉnh phong độ, ngồi chờ đến lượt thay thế. Có lẽ, Tô Lâm không cần phải hạ bệ ông Trọng để cướp ngôi, mà chỉ ngồi chờ tạo hóa đưa ông đi đến thế giới khác, rồi Tô Lâm trám vào chỗ của ông. Nếu ra tay với ông Tổng vào lúc này, là quá bất nhẫn, e rằng Tô Lâm sẽ bị nhiều người phản ứng.

Khi mới loại được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để trở thành thế lực mạnh nhất trong Đảng Cộng sản, ông Trọng đã thiết lập hàng loạt cơ chế, và chọn lọc đám thuộc hạ quanh ông, để duy trì sức mạnh. Mục đích của Tổng Trọng là đưa mọi quan chức vào guồng, và quay theo quỹ đạo của ông. Ý đồ này khá thành công, và đã hoạt động trơn tru trong suốt 8 năm.

Vừa xây dựng được một bộ sậu riêng, vừa nuôi một đám đồ đệ ruột, để kế thừa ngai vàng. Vương Đình Huệ là người gần nhất được chọn. Ông Trọng đưa Vương Đình Huệ thăng tiến theo đúng lộ trình mà ông từng đi qua. Đó là, từ Bí thư Thành ủy Hà Nội, lên Chủ tịch Quốc hội, và cuối cùng là lên Tổng Bí thư. Bộ máy được chỉnh sửa thật chỉn chu và lộ trình cho đồ đệ được vạch định rất tốt, cho tới khi Tô Lâm tạo phản.

Từ khi Tô Lâm tạo phản, bộ máy mà Tổng Trọng xây dựng lên đã rách toác và gần như tê liệt. Dù rằng, ông Trọng đã cố vá víu lại, bằng cách đưa một vị Tướng Quân đội lên án ngữ Ban Bí thư, đồng thời tăng cường thêm 4 uỷ viên Bộ Chính trị, nhưng Ban Bí thư vẫn không thể hoạt động bình thường trở lại.

Ban Bí thư trở nên rối loạn đội hình, khi mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại đánh mạnh vào Ban Nội chính Trung ương. Sắp tới đây, rất có thể, Ban Bí thư sẽ tự mình đánh mình, mà không cần thế lực nào từ bên ngoài thọc tay vào.

Lúc này, ông Tổng đã gần đất xa trời, di sản mà ông để lại, không phải bộ máy “đốt lò” đang hoạt động trơn tru, mà là một bộ máy tự “đốt nhà” mình. Mới đây, ông Nguyễn Văn Yên – cấp phó của ông Phan Đình Trạc đã bị quẳng vào lò, là một minh chứng rõ nét nhất.

Vì sao, một bộ máy vận hành trơn tru suốt 8 năm, lại trở nên rối loạn như vậy? Phải chăng, ông Tổng đã xây dựng trên những nền tảng không bền vững ?

Nhìn bề ngoài, bộ máy “đốt lò” của ông Trọng có vẻ vận hành tốt, nhưng bên trong, có nhiều chi tiết không đạt chất lượng. Cái “lò” ông Trọng tạo ra dựa trên quyền lực cá nhân, chứ không dựa trên pháp quyền. Chính ông đã tự cho mình những biệt đãi ngoài phạm vi Đảng luật, như là một thứ tiền lệ. Và cũng chính tiền lệ này đã làm cho Ban Bí thư tự đánh nhau như ngày hôm nay.

Tô Lâm đang củng cố quyền lực, và dọn dẹp mọi rào cản có thể gây ra khó khăn cho nhóm Hưng Yên của ông. Những tay chân của Tổng Trọng trong Ban Bí thư, là những đối tượng mà Tô Lâm đang nhắm đến. Nguyễn Phú Trọng đã ngầm ban phát đặc quyền, cho phép Tô Lâm không cần tuân thủ pháp luật, để làm được những việc bất chính theo “ý chỉ” của ông, thì nay, ông phải trả giá với chính thói vô pháp của đồ đệ cũ của mình.

Nay, Tô Lâm đang dùng chính đặc quyền mà ông Trọng từng ban cho, để đánh cho tan tác thế lực mà ông Trọng gây dựng.

Trong Trung ương Đảng, Bộ Chính trị là nhóm có quyền lực cao nhất, rồi tiếp đến là Ban Bí thư. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã bị Tô Lâm “xỏ mũi” trong việc buộc phải chấp nhận cho Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an, thì Ban Bí thư cũng khó có thể chống lại sự công phá của phe Tô Lâm. Đặc biệt là, sau hơi tàn của ông Trọng, nhóm nhân sự của Ban này có thể sẽ rã đám, và thay vào đó là những người mới.

Tô Lâm thay thế Nguyễn Phú Trọng, bộ máy sẽ thay đổi và luật chơi cũng thay đổi. Luật ấy được gọi là “luật là Tô, Tô là luật”.

Thoibao.de