Trong lúc Tô Lâm đánh Tập đoàn Phúc Sơn để hạ Võ Văn Thưởng, rồi đánh tiếp Tập đoàn Thuận An để hạ Vương Đình Huệ, thì ở chiều ngược lại, phe quân đội cũng lôi Tập đoàn Xuân Cầu của đại gia Tô Dũng – em trai Tô Lâm, chuẩn bị đưa lên thớt. Tuy nhiên, việc đánh vào Xuân Cầu sau đó bị lãng quên, vì Tô Lâm đã thắng thế trên vũ đài chính trị.
Khi Tô Lâm dùng Bộ Công an để đánh vào sân sau của các đối thủ, nhằm giành lấy lợi thế chính trị, thì các phe khác cũng phản đòn, với đường quyền giống hệt như vậy. Tuy nhiên, khi 2 bên ra cùng một đòn giống nhau, thì bên nào ra đòn trước sẽ thắng. Tô Lâm ra đòn trước và đã thắng, còn quân đội chậm chân hơn nên bất lực.
Giờ đây, Tô Lâm đã là Tổng Bí thư và Bí thư Quân ủy Trung ương. Xem ra, phe quân đội khó có điều kiện để moi thêm sai phạm của Công ty Xuân Cầu. Có thể nói, sau ván cờ cân não, Tô Lâm đã cứu cho Xuân Cầu một mạng, đồng thời cũng là cứu lấy chính mình.
Hiện nay, Tô Lâm đang thực hiện việc thanh lọc hệ thống, đặc biệt là trong Ban Bí thư. Đồng thời, ông cũng loại bỏ thành phần ngoài ê kíp quyền lực khỏi vũ đài chính trị, và xây dựng thế lực Hưng Yên lớn mạnh. Qua đó, Công ty Xuân Cầu của Tô Dũng cũng sẽ ngày càng trở nên lớn mạnh trên thương trường.
Vạn Thịnh Phát đã bị loại khỏi mâm “kinh tài”, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam trong sạch hơn, mà chỉ là cách tranh giành miếng bánh kinh tế mà thôi. Vạn Thịnh Phát sụp đổ thì Xuân Cầu nổi lên thay thế và có khả năng sẽ bành trướng hơn.
Trong thời gian dài, Vạn Thịnh Phát đã phát triển dựa trên các thế lực chính trị lớn. Khi các thế lực chính trị này hết thời, thì doanh nghiệp cũng bị thịt.
Nền kinh tế Việt Nam là nơi phản ánh tình hình chính trị thượng tầng. Các thế lực cũ bị lật đổ và thế lực mới thay thế, thì hệ thống kinh tài sân sau cũng chung số phận.
Hiện VinGroup của Phạm Nhật Vượng vẫn được cả Bộ Công an bảo vệ và Ban Tuyên giáo quảng bá. Điều này cho thấy, VinGroup vẫn chưa đến hồi tàn. Tuy nhiên, Xuân Cầu thì lại là thế lực đang lên, rất có thể, thời gian tới sẽ trở thành thế lực cạnh tranh với VinGroup. Có thể nói, trên lĩnh vực kinh tế, Tô Dũng đang từng bước trở thành ông trùm mới.
Đảng Cộng sản giờ đây đã phân phe tách nhóm rất mạnh. Mỗi phe phái chính trị đều có đằng sau một hệ thống sân sau, để chiếm dụng tài nguyên đất nước, để vơ vét sức dân làm giàu. Rồi đây, Tô Lâm sẽ tiếp tục nhân danh sự trong sạch, để đánh gục chân rết của các thế lực khác, rồi cho Tuyên giáo bơm thổi về một mục đích “cao cả” của Tổng Bí thư.
Một khi đã nắm quyền lực tuyệt đối, đã xây dựng hệ sinh thái quyền lực vượt trội, Tô Lâm sẽ nuôi Xuân Cầu lớn mạnh không có điểm dừng. Đi kèm với sự lớn mạnh đó là những vấn nạn mà người dân phải chịu, tương lai đất nước bị chiếm dụng, biến thành tài sản riêng vv…
Ở các nước dân chủ, các doanh nghiệp lớn mạnh là tín hiệu đáng mừng. Bởi đa số họ là những doanh nghiệp chân chính, tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Còn với Việt Nam, sau khi một thế lực chính trị mới nổi lên, thì đất nước lại chứng kiến những doanh nghiệp “Thánh Gióng”. Tuy nhiên, hậu quả của loại hình kinh tế thân hữu này là một nước Việt Nam tụt hậu. Sự phát triển chỉ là những con số thống kê, còn đời sống người dân thì vẫn cơ cực, bế tắc.
Tô Lâm lên thay Nguyễn Phú Trọng, ông sẽ khiến Đảng trở nên hỗn loạn hơn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ bị nhuộm một màu đen của các thế lực chính trị hắc ám. Giấc mơ kinh tế thị trường đúng nghĩa với Việt Nam, vì thế còn xa vời.
Trần Chương – Thoibao.de