Dù thua lỗ, ông Phạm Nhật Vượng vẫn tiếp tục đầu tư cho VinFast hơn 3.000 tỷ đồng

Ngày 30/8, RFA Tiếng Việt loan tin “Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tài trợ cho VinFast hơn 3.000 tỷ đồng”.

RFA dẫn truyền thông nhà nước, đưa tin ngày 30/8 cho biết, theo thông tin trong báo cáo tài chính bán niên 2024 đã qua kiểm toán, vừa công bố của VinGroup, thì tỷ phú  Phạm Nhật Vượng – nhà sáng lập của Tập đoàn VinGroup – đã tài trợ 3.277 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, cho hãng xe VinFast.

RFA nhắc lại, ông Vượng từng khẳng định: “VinFast là sứ mệnh, danh dự và tương lai của VinGroup, nên chúng tôi không bao giờ buông VinFast”.

RFA cho biết, ngoài số tiền tài trợ nói trên, báo cáo còn thể hiện, ông Vượng đã chuyển nhượng cổ phần trong công ty con hơn 1.820 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục không nhận thù lao tại VinGroup.

Về tình hình kinh doanh, RFA dẫn báo cáo, ghi nhận rằng, tổng doanh thu nửa đầu năm nay của VinGroup đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Chiếm lớn nhất trong cơ cấu nguồn thu vẫn đến từ lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, với hơn 26.331 tỷ đồng; đứng thứ 2 là mảng sản xuất và các hoạt động liên quan, với hơn 14.056 tỷ đồng. Riêng mảng sản xuất của VinFast vẫn lỗ.

RFA cũng nhắc lại, hôm 6/1 VinGroup công bố, ông Phạm Nhật Vượng – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VinGroup, Công ty mẹ của VinFast, chuyển từ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast, chuyển sang đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc VinFast, thay cho bà Lê Thị Thu Thủy.

Tỷ phú hãng xe Việt cũng sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò Tổng Giám đốc VinFast, qua đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

RFA cho biết, VinFast – Công ty thành viên của VinGroup – từng được ông Vượng công bố tài trợ tài chính tại Đại hội đồng Cổ đông, diễn ra hồi tháng 4 năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp cổ đông hôm 25/4 của VinGroup, ông Vượng nói, có thể mở rộng đầu tư hơn nữa vào VinFast, sau khi ông và Tập đoàn VinGroup rót 11,4 tỷ USD vào công ty, tính đến cuối năm ngoái.

RFA dẫn tuyên bố của ông Vượng: “Tôi dự định sẽ tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD từ tiền túi của mình”, và cho hay, ông Vượng không nêu rõ khi nào sẽ chi ra số tiền này. Đồng thời, ông Vượng khẳng định, VinFast không gặp vấn đề về dòng tiền, và chưa chậm ngân hàng một đồng lãi nào.

RFA cũng cho biết, giá cổ phiếu của VinFast đã giảm xuống còn 2,5 USD, so với lần niêm yết ban đầu vào tháng 8 năm ngoái, ở mức 10 USD (đạt đỉnh hơn 90 USD), do công ty không đạt được mục tiêu bán hàng vào năm ngoái và tiếp tục báo lỗ nặng.

Hơn nữa, báo cáo tài chính của VinFast của không minh bạch. Ngày 31/7, RFA cho hay, “VinFast thừa nhận lỗi kế toán dẫn đến kê cao doanh thu bán hàng”.

Tuy nhiên, không rõ đây là lỗi vô tình hay cố ý, trong bối cảnh VinFast đang bị vướng vào các vụ kiện tập thể, vì cho rằng, VinFast đã đưa ra các tuyên bố sai sự thật, không tiết lộ rằng Công ty đang thiếu vốn, cường điệu hoá sức mạnh của mô hình kinh doanh cũng như năng lực hoạt động.

Bản tin ngày 31/7 của RFA cũng cho hay, VinFast đã nộp một văn bản lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC), thừa nhận đã có các lỗi kế toán xảy ra, dẫn đến hàng chục triệu đô doanh thu bán hàng đã bị kê cao hơn trong năm ngoái.

Cụ thể, các con số bị khai khống của Công ty trong năm tài chính 2023, gồm: 33,9 triệu đô la doanh thu và chi phí bán hàng, 6,1 triệu đô la phân phối, và khoản lỗ ròng 1,8 triệu đô la.

Theo RFA, Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng kết luận rằng, các báo cáo tài chính hợp nhất đã phát hành trước đó, tính đến tháng 12/2023, thông cáo báo chí, thông cáo thu nhập, và thông tin liên lạc với nhà đầu tư, mô tả hiệu suất tài chính của công ty trong năm và giai đoạn kết thúc tại thời điểm đó… không còn được tin cậy nữa.

 

Ý Nhi – thoibao.de