Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền, cai trị đất nước 100 triệu dân, nhưng rất nhiều thế hệ lãnh đạo đã tỏ ra nhu nhược trước Bắc Kinh. Điều này hoàn toàn tương phản với chính quyền Đài Loan – một chính quyền chỉ có 25 triệu dân, và là một hòn đảo nhỏ bé.
Đảng rất tự hào về chính sách “ngoại giao cây tre”, mà họ cho là “uyển chuyển, khôn khéo”, để mị dân. Tuy nhiên, cái gọi là “ngoại giao cây tre” này chỉ là mặt nạ, che đậy cho ý chí nhu nhược của giới lãnh đạo Đảng. Hầu hết lãnh đạo cao cấp trong Đảng đều hiểu rằng, nền giáo dục và xã hội Mỹ – Âu tốt hơn hẳn Trung Quốc, nên lựa chọn cho con cái sang du học. Thế nhưng, họ lại cam tâm đưa đất nước Việt Nam vào thòng lọng của Bắc Kinh, thông qua cái gọi là “ngoại giao cây tre”.
Bao lâu nay, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt tay với Mỹ và phương Tây, nhưng chỉ giới hạn về hợp tác kinh tế. Còn về quốc phòng an ninh, Việt Nam vẫn giữ khoảng cách, chứ không dám xích lại gần hơn.
Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Nhưng Đảng vẫn không dám đặt mua vũ khí Mỹ, sợ Bắc Kinh “trừng mắt”. Cái gọi là “ngoại giao cây tre” đã cướp đi cơ hội độc lập chính trị của Việt Nam như thế.
Những ngày gần đây, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã có những chuyến thăm rất được lòng dư luận, đấy là chuyến đi Philippines hồi cuối tháng 8, và chuyến đi Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, rất khó có khả năng, Việt Nam dám làm gì đó mang tính chất đột phá, trong vấn đề hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Việc có hợp tác sâu hơn về quốc phòng với Mỹ hay không, thì còn phải chờ xem. Tuy nhiên, về chiến lược, thì rõ ràng, ông Phan Văn Giang đang gây khó cho ông Tô Lâm, trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Vì ông Tô Lâm chỉ vừa mới đi Bắc Kinh về, thì ông Giang đã có những chuyến đi trái ngược.
Vì sao, ông Tô Lâm trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương, lại để cho quân đội xích lại gần Mỹ? Điều này giải thích theo hướng nào thì cũng bất lợi cho ông Tô Lâm.
Trường hợp thứ nhất, nếu ông Phan Văn Giang thực hiện sứ mệnh ngoại giao này theo lệnh của ông Tô Lâm, thì hóa ra, ông Tô Lâm vừa tỏ thái độ thần phục trước mặt Tập Cận Bình, lại giở trò sau lưng ngay lập tức?
Trường hợp thứ nhì, nếu ông Giang tự ý thực hiện, không theo chỉ đạo của ông Tô Lâm, thì rõ ràng, ông Tô Lâm không đủ khả năng để kiểm soát bên dưới. Vậy thì, đối với Tập Cận Bình, ông Tô Lâm có phải là người vô dụng hay không?
Khả năng cao là phe quân đội không vâng lệnh ông Tô Lâm. Từ khi ông Trọng mất kiểm soát đối với “lò đốt tham nhũng”, thì trong Đảng đã nổi lên các thế lực triệt hạ lẫn nhau. Bản thân ông Tô Lâm đã hạ quá nhiều người của các phe khác, thì đến lúc, sẽ bị các phe khác phản công. Trước mắt, họ là tìm cách gây mất uy tín của ông với thiên triều, sau đó, có thể sẽ có những bước đi tiếp theo táo bạo hơn.
Cái gọi là “ngoại giao cây tre” giờ đây đang thất thế. Trong Đảng đang nổi lên các xu hướng ngoại giao khác nhau, không còn thống nhất nữa. Mỗi phe chọn một đường lối ngoại giao riêng, nhằm những mục đích riêng. Khi đó, sự “mềm dẻo”, “khôn khéo” sẽ không còn nữa, “ngoại giao cây tre” hiện nguyên hình là hình thức ngoại giao vô tổ chức mà thôi.
Khi ông Trọng còn sống, Đảng thống nhất hơn. Giờ đây, Đảng như con tàu vô định, nhiều kẻ đang tranh giành quyền lái tàu. Bất kỳ ai tranh thủ nắm được bánh lái, thì sẽ lái con tàu theo hướng đi riêng của mình. Cứ như thế, con tàu đổi hướng liên tục và không có mục tiêu rõ ràng. Theo Mỹ thì không rõ, mà theo Tàu cũng không chắc chắn.
Phải chăng, thời kỳ hỗn loạn trong Đảng đang dần hiện rõ?
Trần Chương – Thoibao.de