Người lớn cần thay đổi thái độ và tư thế đối với giới trẻ

Ngày 12/9, trên Diễn đàn của VOA Tiếng Việt có bài “Trứng khôn dạy vịt”, của blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

Theo tác giả, “trứng” ở đây là 2 cậu bé – cùng lớp 12, cùng là học sinh trường chuyên, giỏi giang cả.

Tác giả cho biết, “trứng” thứ nhất là học sinh Bùi Minh Trí – học sinh lớp 12 lý-tin, trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long. Ngày 27/11/2006, Trí đã táo tợn hack vào trang web của Bộ Giáo dục, gỡ ảnh Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, rồi thay vào đó là ảnh mình đang cởi trần.

Tác giả dẫn báo chí cho biết, trước đó, vào tháng 7/2006, Trí đã phát hiện lỗi bảo mật của trang web này, em đã để lại một file để cảnh báo. Sau đó, em còn trao đổi qua mạng với người quản trị trang, họ cũng đã tìm cách khắc phục, nhưng không xong. Rồi em lại liên hệ với người quản trị mạng của VDC – Công ty đồng quản trị trang web này. Đến tháng 11/2006, Trí thấy trang web đó vẫn còn lỗi bảo mật, nên em mới hành xử sai trái như nói ở trên.

Lập tức, hàng loạt cơ quan, cá nhân quan trọng đã vào cuộc, gồm cả phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, tỉnh Vĩnh Long, C15 Bộ Công an.

Tác giả đánh giá, liệu có cần đối xử với Trí như với tội phạm, như việc “kiểm tra nhà”, “niêm phong máy tính”… một khi chưa có quyết định khởi tố, khám xét?

“Trứng” thứ hai, vẫn theo tác giả, là học sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở Yên Bái, vào tháng 9 vừa qua.

Nếu chỉ đọc báo nhà nước, thì người ta không thể hiểu nổi cái sự “chưa phù hợp”, “gây xôn xao …” là cái gì mà ghê gớm vậy. Cũng có báo mạnh dạn trích đăng bài viết của Vinh, nhưng lại cắt xén, làm sai lệch ít nhiều bản chất sự việc.

Tác giả cho hay, phải lên mạng xã hội, phải tìm đọc, nghe báo đài quốc tế, thì mới rõ sự việc.

Trên mạng xã hội, có không ít những ý kiến mạt sát Vinh không thương tiếc, thậm chí, còn có những gợi ý kỳ lạ, là phải cấm xuất cảnh, phải “trục xuất”, cấm thi tốt nghiệp phổ thông, v.v..

Tác giả nhận xét, diễn biến này như những màn “đấu tố”, “đánh hội đồng”, “ném đá giấu tay”, chẳng xứng đáng là người lớn chút nào.

Những nội dung đó đã nhận được ào ạt những bài phê phán ngược lại, nhất là của những cây viết nổi tiếng, sắc sảo, phân tích công phu, có chừng mực, đến nỗi, có bài kiểu rủa xả đó bị chủ nhân của nó lặng lẽ gỡ bỏ.

Tác giả đặt 2 câu hỏi. Một: vụ việc có đáng phải bị “hình sự hóa” như vậy không? Hai: công an đã điều tra và trả lời cho công luận, rằng, ai là người đã phát tán nội dung bài viết của em Vinh lên mạng hay chưa? Người đó có mục đích gì, có phải như thể “đồng phạm” với Vinh, hay là “có công” tố cáo?

Và, vẫn theo tác giả, cũng như trường hợp của Trí năm 2006, Vinh viết bài, rồi đăng lên mạng, có lẽ không phải khi đang ở trường. Như vậy, làm sao nhà trường, ngành giáo dục lại phải chịu trách nhiệm, và có quyền hạn để can dự vào vụ việc này công phu đến vậy?

Đó chắc chắn không phải là lối giáo dục văn minh, đúng đắn.

Tác giả cho rằng, tĩnh trí đọc kỹ cả bài viết của Vinh, sẽ thấy trong đó một tâm trạng khắc khoải, giằng xé của một người trẻ nhiệt huyết, trước thực trạng đất nước, đang tìm cho mình một tương lai chắc chắn, chứ không phải chỉ là căm ghét, phỉ báng một chiều.

Tác giả nhận định, có nhiều nét tương đồng giữa 2 vụ việc trên, nhưng thêm mùi chính trị khét nồng ở vụ thứ 2, và một điểm chung chính là thái độ và tư thế của người lớn trước giới trẻ.

Từ lâu rồi, ít ra là từ khi có Internet, người lớn (lẽ ra) phải học hỏi được nhiều điều từ con cháu, về tư tưởng dân chủ, ý thức tôn trọng nhân phẩm con người, và hơn thế nữa, là vô vàn kiến thức phong phú của thế giới văn minh bên ngoài Việt Nam. Nhưng vì sự độc đoán dưới chế độ độc đảng, nên người lớn không thu nạp được.

Ý Nhi – thoibao.de