Ngày 16/9, Blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình luận, “Những cái khó của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm khi qua Mỹ”.
Tác giả nhận xét, ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ sau nạn hồng thủy hiện vẫn đang tàn phá Việt Nam. Cơn bão kinh hoàng ấy để lại những sang chấn thật nặng nề. Tuy nhiên,“Cơn bão Yagi” của lòng người vẫn còn ở phía trước.
Tác giả cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự “Hội nghị thượng đỉnh tương lai Liên Hợp Quốc”, và phát biểu tại buổi thảo luận cấp cao của khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, là để đúc kết kinh nghiệm, đảm bảo cho quốc gia – dân tộc vượt qua những khó khăn về kinh tế, xã hội và môi trường, có thể còn lớn hơn trong tương lai.
Tác giả cho biết, khó khăn đầu tiên, ông Tô Lâm phải đối mặt, là buổi Đối thoại chính sách tại Đại học Columbia, do Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead, điều phối.
Buổi đối thoại nằm trong chương trình chính thức của ông Tô Lâm, để tạo sự đột phá và thay đổi về tư duy, tăng cường cam kết và hành động.
Theo tác giả, thách thức thứ 2 cũng cản trở không kém, đó là vụ tấn công vào Đại học Fulbright Việt Nam. Dù Bộ Quốc phòng đã cho hạ một video “Trường Đại học Fulbright – Không để Cách Mạng Màu đổi màu giáo dục”, trên YouTube.
Tuy nhiên, trang trelangblog.com vẫn cho chạy tiếp bài “Vì sao Đại học Fulbright bị chỉ trích, tẩy chay?”, với câu hỏi: “Liệu Fulbright có thực sự là một công cụ của Washington nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam?”
Vẫn theo tác giả, khó khăn thứ 3, là làn sóng bắt bớ và cầm tù các nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, vẫn tiếp tục với cường độ cao. Ngày 10/9, Hà Nội tuyên án 6 năm tù giam đối với ông Hoàng Tùng Thiện, người đồng sáng lập Đảng đoàn Việt Nam và kêu gọi đa đảng chính trị; 7 năm tù giam đối với nhà báo độc lập – blogger Nguyễn Vũ Bình, về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117.
Khó khăn thứ 4, tác giả cho hay, tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13/9, đại diện của Liên Hợp Quốc và Liên hiệp châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Cuối cùng, cái khó thứ 5, tác giả cũng cho biết, là đánh giá chung của giới chuyên gia về bang giao Việt – Mỹ không thật khả quan.
Tác giả đề cập đến việc Website của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, trong những ngày này, lại lăng-xê những “dòng trạng thái” quen thuộc về “cách mạng màu” do các thế lực thù địch sử dụng, để lại hậu quả vô cùng nặng nề về chính trị, kinh tế và xã hội. Đồng thời cảnh báo Việt Nam phải cảnh giác cao trước các thủ đoạn này.
Tác giả đánh giá, đây có thể xem như những lời nhắc nhở của Bắc Kinh đối với Việt Nam, rằng, cần tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống “cách mạng màu”, cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ.
Tác giả nhấn mạnh, giữa các hiệu ứng của “những bàn tay vô hình” đối với mối bang giao Việt – Mỹ, không thể không tính đến tam vị nhất thể, “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” vào kỷ nguyên tới.
Trong bối cảnh quốc tế đang biến động, đặc biệt với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng sự quan tâm chiến lược của Mỹ và các đồng minh, trong “khu vực Indo – Pacific”, để củng cố quan hệ song phương và đa phương.
Tác giả nêu vấn đề: Liệu có thể kỳ vọng rằng, chuyến thăm của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ lần này, sẽ mở ra những bước tiến mới trong bang giao 2 nước, giúp hóa giải những mối quan hệ phức tạp, và tạo dựng thêm nền tảng vững chắc cho hợp tác tương lai?
Hoàng Anh – thoibao.de