Đại họa Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhưng Việt Nam nói đã khống chế được dịch, thực tế thì sao?
Trong khi tin tức về dịch bùng phát ở các nước ngoài Trung quốc như Nhật bản, Hàn quốc, Italy và đặc biệt Iran mới có tin đã có 50 người chết vì cúm Covid-19, thì tin tức theo báo chí trong nước cho thấy dường như VN đã khống chế được dịch.
Tính đến ngày 21/02/2020, trên tổng số 16 bệnh nhân lây nhiễm virus corona mới Covid-19, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, chỉ còn một bệnh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc và bệnh nhân thứ 16 này cũng có thể sẽ xuất viện. Như vậy, nếu trong những ngày tới ở Việt Nam không phát hiện một trường hợp lây nhiễm nào mới, phải chăng là Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch?
Ngay từ ngày 01/02, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết công bố thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục hô hào « chống dịch như chống giặc ».
Theo lời thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long, được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn ngày 22/02, Việt Nam đã sử dụng những biện pháp « chưa có tiền lệ » để phòng chống dịch Covid-19 : Cách ly đủ 14 ngày với những người nghi nhiễm, những người đến hoặc đi qua vùng dịch, thậm chí xem toàn bộ những người từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đến Việt Nam là những người bệnh, phải bị cách ly.
Tuy không đóng cửa toàn biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc. Việt Nam cũng đã là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc cách ly cả một xã hơn 10 ngàn dân tại tỉnh Vĩnh Phúc kể từ ngày 14/02, với thời gian cách ly dự kiến là 20 ngày. Lo ngại dịch bệnh lan rộng, Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhiều bệnh viện dã chiến ở nhiều nơi.
Cho tới nay, tuy là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, tiếp nhận rất nhiều du khách Trung Quốc và làm ăn buôn bán rất nhiều với láng giềng phương Bắc này, Việt Nam chỉ thông báo có 4 tỉnh thành có bệnh nhân là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn.
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, địa phương có thể công bố khống chế dịch sau 28 ngày kể từ khi ngành y tế quản lý được nguồn lây nhiễm, tính từ khi bệnh nhân cuối cùng được cách ly tại bệnh viện. Như thế, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn là ba nơi được xem là hội đủ điều kiện để công bố hết dịch. Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa, nơi có một ca bệnh được phát hiện ngày 24/01 và đã khỏi bệnh ngày 03/02, đang xin phép chính phủ cho công bố hết dịch.
Trước hết, chúng ta hãy xem các bệnh nhân ở Việt Nam được điều trị như thế nào, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng I, Sài Gòn, giải thích:
« Thật ra phương pháp điều trị viêm phỗi do virus là phương pháp rất là kinh điển, bởi vì virus corona là virus chưa có thuốc đặc trị chính thống. Ở Việt Nam, bệnh nhân nhẹ thì mình điều trị triệu chứng và bệnh nhân nặng thì mình hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm. Thứ ba là mình phải điều trị các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh lý về phổi mãn tính, để giữ cho những bệnh nền đó không bị nặng thêm trong thời gian trong thời gian họ bị nhiễm virus Covid-19. Phác đồ điều trị ở Việt Nam hiện là như vậy, chứ chưa có sử dụng loại thuốc kháng virus nào đặc biệt cả ».
Như vậy, Việt Nam dùng những phương pháp xét nghiệm nào để có thể khẳng định là các bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết : « Thật ra xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (Realtime Polymerase chain reaction) không phải là phương pháp gì mới lạ, bởi vì nguyên tắc chung của phương pháp xét nghiệm đó là chúng ra chỉ cần sử dụng một cái mồi đặc hiệu cho con virus, thì chúng ta có thể xét nghiệm được các bệnh tương đương. Quan trọng là cái mồi, chứ còn các máy xét nghiệm thì nơi nào cũng có hết. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR thì độ dương tính thật và âm tính thật của nó rất cao, còn tỷ lệ dương tính « giả » hay âm tính « giả » thì rất thấp.
Về tiêu chuẩn xuất viện của Việt Nam thì đây là một loại virus mới, mình cũng không nghiên cứu được là sau bao lâu mình có thể phết vào cái họng âm tính, rồi sau bao lâu dù là dương tính nhưng vẫn không lây. Những bệnh khác thì mình đã nghiên cứu rồi, ví dụ như cúm, sởi, dù là phết dương, nhưng vẫn không lây được, tại vì nồng độ quá thấp.
Còn đây là virus mới, thành ra Việt Nam quyết định là muốn cho bệnh nhân xuất viện thì phải có hai điều kiện : Thứ nhất là sự an toàn cho bệnh nhân, tức là bệnh nhân đó thật sự khỏi bệnh, kết quả các xét nghiệm phải trở lại chỉ số bình thường, dù là có các bệnh nền thì cũng phải chữa cho xong. Thứ hai là bệnh nhân đó phải trở lại cộng đồng một cách an toàn
Cho nên ở Việt Nam, người ta dùng phương pháp PCR : phết hai lần cách nhau một ngày và khi phết thì bệnh nhân không được làm cái gì có thể làm sai lệch các kết quả, ví dụ như trước khi phết thì lại súc miệng bằng dung dịch sát trùng thì sẽ cho kết quả không đúng. Thành ra phải nghiêm ngặt về điều đó. Nếu phết hai lần cách nhau một ngày mà đều cho kết quả âm tính thì mới có thể xem là bệnh nhân này không có khả năng lây bệnh. Nếu một trong hai lần đó mà dương tính thì bắt buộc phải làm lại từ đầu. »
Nhưng trong bối cảnh mà dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và ngày càng lan rộng ra thế giới, hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh này. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng tỏ ra thận trọng:
« Ở Việt Nam kể từ khi bệnh nhân cuối cùng mắc bệnh tới bây giờ đã khá là lâu rồi, mà bệnh nhân mới thì không có và mình vẫn tiếp tục cách ly những đối tượng nghi ngờ để làm sao không có ca mới xâm nhập ra ngoài, thì khả năng khống chế bệnh là tốt.
Còn nói Việt Nam là nước đầu tiên khống chế dịch, thì có thể nói là cho tới lúc này thôi, chứ còn luồng du nhập vẫn tiếp tục đi vào thì chắc chắn là phải tiếp tục ngăn ngừa đối với những người từ nước ngoài trở về, chứ còn lây trong nội tại Việt Nam hiện nay khống chế được rồi.
Theo tôi, vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch cho tới khi nào Trung Quốc và các nước khác có giao thương với Việt Nam cùng hết dịch bệnh, cho tới khi nào toàn thế giới tuyên bố không còn ca bệnh nữa. Điều này có lẽ bất cứ nước nào cũng phải làm như vậy thôi, chứ không riêng gì Việt Nam ».
Có thể nói Việt Nam hiện đang chịu hai áp lực cùng một lúc, một mặt phải thi hành các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch, nhưng mặt khác phải làm sao giảm thiểu tác hại của dịch bệnh đối với thương mại và kinh tế, nhất là kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Chính áp lực thứ hai khiến Việt Nam không thể nào đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc như một số nước khác, mà phải cho thông quan các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để giải tỏa hàng trăm xe nông sản, hàng hóa đang kẹt ở biên giới.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam lại có thêm một mối quan ngại khác, đó là Hàn Quốc, quốc gia vừa được đặt trong tình trạng báo động tối đa cao, sau khi có hơn 833 người bị lây nhiễm Covid-19, và tổng cộng 8 người chết vì dịch bệnh này (đứng hàng thứ hai về số bệnh nhân và số tử vong chỉ sau Trung Quốc), mà Hàn Quốc cũng là nơi có 48 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 4.000 người ở Deagu và Gyeongbuk, hai ổ dịch Covid-19 ở Hàn Quốc.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa xem Hàn Quốc là vùng dịch giống như Trung Quốc, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị phải cách ly những người Hàn Quốc đến từ những vùng có dịch, cũng như cách ly tập trung 14 ngày đối với những người Việt Nam từ vùng dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội.
Hiện giờ, bộ Giao Thông Việt Nam chưa quyết định tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Hàn Quốc, theo lời thứ trưởng Lê Anh Tuấn, nhưng có lẽ không thể loại khả năng này nếu tình hình dịch Covid -19 ở Hàn Quốc trở nên trầm trọng hơn. Hiện tại giao thông hàng không giữa hai nước đã bị giảm chung khoảng 65% và hiện giờ các chuyến bay từ Việt Nam chỉ chở khách trả về Hàn Quốc.
Tuy nhiên mạng xã hội hiện nay rất nhiều người tỏ thái độ nghi ngờ những con số mà báo chí Việt nam công bố về số lượng ca nhiễm Covid-19 trong nước. Ít nhất đã có 3 bản tin về người tử vong từ Bệnh viện có triệu chứng rất giống với bệnh Cúm Corona Vũ Hán nhưng được lái đi theo hướng nguyên nhân tử vong là do bệnh lý khác như do bệnh lý não hay thậm chí Giấy chứng tử ghi là do virus Corona nhưng chủng cũ chứ không phải chủng mới từ Vũ Hán.
Facebooker Lộc An Hà viết lời khen ngợi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – trong một văn phong có ý châm biếm với tựa đề: TOÀN THỂ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM NỢ ÔNG 1 LỜI CẢM ƠN.
Từ khi người đàn ông này được phân công làm Trưởng ban Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), kết quả:
Singapore không có biên giới với TQ, nhiễm 75 ca.
Thái Lan không có biên giới với TQ, nhiễm 35 ca.
Nhật bản là quần đảo, nhiễm 97 ca, chết 2 người.
Hàn Quốc không biên giới với TQ, nhiễm hơn 833 ca và đang tăng cao, chết 8 người.
Iran tin mới nhất cho thấy đã có 50 người tử vong vì cúm Covid-19.
Italy có 4 ca tử vong và 193 ca nhiễm.
Trong khi Việt Nam có đường biên giới với TQ và có quan hệ gần gũi, nhiễm 16 ca, 16 ca đều đã bình phục.
Chúng ta thấy đồng chí ấy trên truyền hình lúc nào cũng vội vã, hối hả, tóc bạc nhiều hơn, da nhiều nếp nhăn hơn; nhưng chúng ta luôn thấy đồng chí dứt khoát trong lời nói và hành động.
Thật tự hào về Tổ quốc ta và có những người lãnh đạo kế cận, tài giỏi: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại Việt nam không có truyền thông độc lập, toàn bộ hệ thống tuyên truyền đều nằm dưới sự chỉ đạo đăng hay xóa tin từ Đảng Cộng sản, điều đó dẫn đến thông tin mà người dân nhận được rất hạn chế hoặc sai lệch , ngược lại với những gì đang diễn ra trong thực tế.
Chỉ đến lúc hậu quả lan rộng, mà ở đây là dịch bệnh nguy hiểm do virus Covid-19 gây ra, làm hàng loạt người dân mất mạng, thì khi đó thực tế mới dần bị hé lộ một cách muộn màng và người chịu thiệt thòi nhiều nhất lại chính là nhân dân.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)