Tác giả Hoa Mai mới đây có bài viết đăng trên BBC có tựa đề “Virus corona: Trời thương dân Việt Nam hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?” đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Tác giả nhận định: Việt Nam, trong trận bão tố quét qua khắp thế giới, vẫn đang đứng vững trong số 3 quốc gia ít ỏi chưa có ca nào tử vong vì COVID-19, với con số mắc bệnh tuy lai rai tăng thêm nhưng vẫn thấp kỷ lục: tính tới ngày 19/4, chỉ có 268 ca/100 triệu dân, 198 đã hồi phục và chưa có ai tử vong.
Tác giả đưa ra giả thuyết như sau: Có thể con số thực tế nhiễm bệnh ở dạng nhẹ, rồi tự khỏi trong cộng đồng lớn hơn con số thực này nhiều hoặc rất nhiều, nhưng với khả năng lây lan khủng khiếp của SARS-CoV-2 thì khó có thể nói Việt Nam giấu dịch. Giấu làm sao nổi khi hễ ở gần là lây, mà đã nhiễm bệnh thì phần lớn đều khó thở?
Vậy liệu chúng ta chỉ có thể suy luận bên cạnh các biện pháp chống dịch của Việt Nam (đã được thế giới công nhận) thì dân Việt phải có một bộ gene đặc biệt nào đó, cộng với được ông trời thương, mới dẫn đến kết quả như vậy?
Những khuyến cáo đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc gần dường như đều xa lạ với thói quen cố hữu lâu nay của người Việt. Và với đặc tính tiêu biểu của người Việt là ‘dễ thích nghi nhưng ngại thay đổi’ thì đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang oanh tạc khắp thế giới những ngày này dường như vẫn chưa đủ để làm người Việt có một cuộc cải tổ về lối sống.
Không đâu xa, chỉ mới ngày 31/3 vừa qua, 3 ngày sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15 ngày 27/3 về hạn chế tụ tập đông người và trong thời điểm Chính phủ đang có chủ trương cách ly xã hội phòng chống dịch COVID-19 thì Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đám cưới cho con với khoảng 20 ôtô tham gia rước dâu và rất nhiều người ở xa đến dự đám cưới.
Mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề muôn thuở của người Việt. Điều này thể hiện rõ nhất trong các chợ truyền thống trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam
Có lẽ không có gì thứ bẩn bằng thức ăn sẵn bán trong các chợ truyền thống nhiều đời.
Các khu chợ này có vị trí địa lợi, nằm ở trung tâm các khu dân cư đông đúc quanh đó nên tự phát hình thành từ nhiều chục, đến cả trăm năm, và đến giờ thì không ông chính phủ nào có thể quy hoạch lại nó được.
Khác với chợ nhà lồng quy hoạch khu bán thức ăn sẵn riêng rẽ, hệ thống bàn ghế cao, thức ăn đặt trong tủ kính, có hệ thống xử lý cấp nước sạch và thoát nước thải ngầm, trong các chợ truyền thống hoàn toàn ngược lại.
Mọi thứ được bày bán lẫn lộn với nhau, hoa quả bên cạnh cá tươi, ngô luộc nóng hổi cạnh thịt heo mới mổ. Hầu như tất cả đều đặt trong những cái thúng hoặc mâm bày ra ngay sát chân người đi chợ, và hầu hết cũng chỉ cao đến đầu gối của họ là cùng.
Không cần che đậy gì cả, dù chỉ là một tấm vải mỏng.
Chợ họp trên các con đường dân cư nên không có hệ thống cấp và thoát nước cho từng sạp.
Người ta phun nước tưới rau cho tươi hay rửa miếng thịt trước khi xay cho khách rồi đổ tràn ra đường. Nước lẫn với máu cá tươi giàn giụa rồi chảy xuống cống. Dù không mưa, ở các khu rau và cá sống nước và bùn vẫn nhèm nhẹp dưới chân. Mưa thì bùn bắn tới mắt.
Gần tới giờ dọn sạp thì càng bẩn thỉu hơn nữa. Các sạp hàng bằng sắt ghép hay gỗ được dựng lên, dùng vòi nước kéo ra từ các nhà mặt tiền xịt thẳng vào. Họ chỉ rửa nước không không có xà phòng, rồi cứ để thế cho khô mai lại bán tiếp. Trong khi sạp này còn bán thì sạp ngay cạnh vẫn xịt rửa. Nước bắn tứ tung, người mua thậm chí phải nhảy né dòng nước bẩn lênh láng.
Nhiễm khuẩn chéo không có trong từ điển của các khu chợ truyền thống. Người bán sẵn sàng dùng tay không bốc một miếng chả cá hay cái chả giò cho khách thử, còn khách cũng sẵn sàng ngồi xệp xuống vặt một trái nho đang nằm trên mặt thúng bỏ tọt vào miệng xem chua hay ngọt.
Một bài phóng sự đăng trên Báo Hà Nội mới điện tử ngày 22/2 cho biết trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang diễn biến phức tạp, tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng kinh doanh mất vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, vẫn có nhiều tiểu thương chủ quan, không thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Sáng 18/2, tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), còn rất nhiều quầy bán thịt lợn sử dụng bìa các tông để bày hàng. Tại các quầy thủy, hải sản, dù hàng hóa được đặt cao hơn so với nền chợ, nhưng dưới nền chợ nước chảy lênh láng…
Tương tự, tại chợ Long Biên (quận Ba Đình), vẫn còn một số gian hàng kinh doanh thủy sản và trái cây nằm gần nhau. Một số hộ kinh doanh vẫn chưa trang bị giá kệ, mà sử dụng các vỏ thùng xốp, thùng nhựa để tạo khoảng cách với nền chợ.
Còn chợ tạm tại khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chiều 18/2, phóng viên nhận thấy cá tươi sống được bày ngay trên các khay nhôm đặt kín vỉa hè; nước làm cá được dội thẳng xuống lòng đường. Đến gian hàng bán gà, phóng viên hỏi mua, một phụ nữ tên Nguyễn Thị D. (không đeo khẩu trang) dẫn vào phòng 101, nhà A23 Nghĩa Tân, với nhiều chim bồ câu, gà, ngan… tươi sống; mọi hoạt động đều được thực hiện ngay dưới nền nhà. Chị D. cho biết: “Mọi khi em vẫn bày hàng ở vỉa hè, nhưng từ khi có dịch Covid-19, Ban Quản lý chợ không cho bán nên phải giấu vào đây”.
Tương tự, tại các chợ tạm, chợ “cóc“: Chợ Vồ (quận Hà Đông), Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm)… tình trạng nước, rác thải từ các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống bị vứt bừa bãi, chất đống trên vỉa hè, lòng đường khá phổ biến.
Việc thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm còn được thể hiện tại nhiều cửa hàng ăn uống, quán xá cùng thói quen ăn uống lề đường, vỉa hè hay bất kì đâu của người Việt.
Người ta sẵn sàng ngồi ăn ngay trên một cái nắp cống, đã được “cẩn thận” đậy lại bằng một tấm nilon dày.
Hoặc ngay bên cạnh các thùng rác công cộng.
Hay ngay trên lề đường mà dòng người xe hối hả chạy qua phun ra nồng nặc khí thải.
Người Việt rất lạ cứ quán nào bẩn bẩn, đông người ăn thì cho rằng đó là quán ngon là họ vào. Có thể người trước ăn người sau chưa kịp lau chùi sạch sẽ họ vẫn chấp nhận và dường như thực khách chỉ cần ngon, bổ, rẻ là được mà không quan tâm tới sạch.
Đầu tháng 3 vừa qua, sinh viên nhiều trường đại học trên địa bàn thủ đô Hà Nội đã quay trở lại học tập sau đợt nghỉ dài phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù tại thời điểm đó cả thành phố đang dồn lực phòng chống dịch, nhưng tại các quán ăn bình dân, hàng ăn rong vỉa hè vẫn mất an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong bài phóng sự ngày 5/3, hầu hết các căng tin phục vụ sinh viên trong các trường đều đóng cửa, chưa hoạt động trở lại. Điều này buộc sinh viên phải lựa chọn những quán ăn bên ngoài trường.
Điểm chung nhất tại các quán ăn, quán nước vỉa hè này là sự tiềm ẩn nhiều mối lo dịch bệnh bởi hầu hết chủ hàng không dùng khẩu trang, nhiều người không dùng găng tay hay sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn theo quy định và khuyến cáo của ngành y tế.
Gần 150 năm trước, trong tác phẩm Về việc cải cách phong tục, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đã miêu tả lại lối sống của người Việt khi đó mà ngày nay đọc lại cứ tưởng mới viết gần đây. Thói quen làm bẩn môi trường từ thời ấy đến nay vẫn còn được lưu truyền đầy đủ nhất là việc phóng uế bừa bãi hay ”sạch nhà mình bẩn ngõ chung”.
Nguyễn Trường Tộ đã viết như sau: “Nay trong kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các nha thự, chợ quán, tường hào, vườn hoa và các bến sông, chỗ nào cũng có uế khí, thậm chí có kẻ trước mặt công chúng mà đi tiểu đại.
Các cầu dọc theo sông, không luận ngày đêm, đàn ông đàn bà, cứ ra nơi ấy mà phóng uế, quen lấy làm thường… Đến như gạch vỡ, ngói hư, cây nhành khô lá rụng, rác và tro than các nhà loại ra, người nước khác đều thu nhặt làm đồ vật hữu dụng mà người mình thì vứt ra cùng đường, ném xuống ao vũng, hoặc đổ ra hào quanh thành, chất đầy cả bến sông…“
Thực tế ngày nay cho thấy không kể ở nông thôn, ngay tại các đô thị, tình trạng phóng uế tùy tiện, bỏ rác bừa bãi, quăng đồ hỏng cũ trong nhà ra đường, vứt mọi thứ xuống kênh rạch, cống rãnh… diễn ra khắp nơi.
Khắp nơi, cứ chỗ nào khuất một chút lại ngửi thấy mùi khai nồng, dù có khi nhà vệ sinh công cộng cách đó không xa; những gốc cổ thụ hoặc các vách tường nơi các con đường đô thị vắng vẻ về đêm thì đẫm ướt gần như hoại mục vì nước tiểu của dân đi chơi đêm, dân bán hàng rong, chạy xe ôm, sống bám lề đường; thậm chí có người còn “đi thẳng” vào cửa nhà người ta, dẫn đến tranh cãi, ẩu đả nhau!
Thói quen khạc nhổ, vứt tàn thuốc lá, ném mẩu thức ăn thừa… ra khỏi xe, xuống đường… gần như là một căn bệnh trầm kha mà người Việt không thể chữa trị dứt điểm. Gần như không có kênh rạch, sông suối nào là không có rác, từ vỏ chai nước, hộp thức ăn… đến xác vật nuôi, thậm chí đồ thủy tinh, kim loại sắc nhọn.
Ngoài đường rác đầy rẫy, vừa của người vãng lai, vừa của người sống ngay mặt tiền, vừa từ các thùng rác công cộng; ngay trên miệng cống, người ta cũng cho đó là nơi bỏ rác lý tưởng, bởi khi có mưa sẽ trôi hết xuống cống, khỏi phải quét dọn!
Lâu lâu sửa nhà, dọn nhà, đồ hỏng hóc cứ thế mà bỏ ra đường, xe rác không gom, rác đó cứ thế mà chỏng chơ, mặc cho mỹ quan đô thị bị hoen ố! Và còn bao nhiêu điều “kém văn minh“, “thiếu văn hóa“, “bất nhã“… vẫn cứ diễn ra hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi, kể cả các đô thị lớn, dù rất nhiều người phê phán…
Bên cạnh đó những thói quen ‘kinh điển’ trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt cũng thúc đẩy việc lây lan dịch bệnh đang hoành hành cả thế giới này.
Thói quen không rửa tay trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh vốn được hình thành từ cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Việc trồng trọt, cấy hái gắn liền với phân, tro, ngày nào cũng quần quật: “Bán lưng cho đất, bán mặt cho trời“, để ý gì đến mấy việc vặt vãnh. Phủi tay vào quần áo là ngồi vào bàn được rồi. Thói quen ấy lan tỏa đến cả những người ở phố thị, xuất hiện trong cả những người được coi là lịch sự, hiện đại.
Người Việt còn có thói quen tổ chức ăn uống tụ tập và rất thích chuyện trò trong bữa ăn. Trò chuyện trong khi ăn là một nhu cầu thiết yếu của cư dân Việt, vì bữa ăn ngoài tác dụng “ăn để no” mà còn là dịp để anh em, họ hàng, bạn bè tụ tập lại để hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và có thể thoải mái bàn luận về vấn đề họ yêu thích.
Hơn nữa, trong bữa ăn, người Việt có thói quen uống chung nhau ly bia, ly rượu, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát nước chấm, bắt tay sau khi nhậu…
Những thói quen trên đều là cơ hội để virus lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.
Tác giả Hoa Mai kết luận: Nhưng lần đại dịch này ông trời cứu, như nhiều người đùa dai rằng “ở bẩn sống lâu“. Còn những lần khác sau này?
Con virus đời thứ 2 này thông minh hơn trăm lần con virus cùng họ Corona với nó đã gây ra đại dịch SARS lần trước.
Và chẳng ai dám nói tiếp theo sẽ không có con thứ 3 hay một con Coro-mãng cầu nào đó, mà nó sẽ dành trọn niềm tin và hy vọng vào những công dân quen ăn ở bẩn thỉu, cho dù là ở một nước được ưu đãi quanh năm nắng gió chói chang lồng lộng.
Có thể nhận định của tác giả về sự ‘ăn may’ của người Việt chưa thực sự thuyết phục trên khía cạnh khoa học, chính trị, y tế… nhưng đây cũng là dịp để mỗi người Việt nhìn lại nhiều thói quen cố hữu không đảm bảo vệ sinh kể trên để tiến tới một lối sống lành mạnh, văn minh, phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân và gia đình, xã hội.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)