Lo ngại về sức khoẻ của Tổng Trọng, khi ông liên tục vắng mặt

Ngày 10/7, BBC Tiếng Việt bình luận “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng”.

Theo đó, lần xuất hiện gần nhất của Tổng Trọng trước công chúng, là buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội, vào ngày 20/6, đến nay đã gần ba tuần.

BBC cho biết, sáng 9/7, ông Trọng không xuất hiện trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về Quy định số 144. Trước đó, ông cũng vắng mặt ở hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7, và Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7.

Theo BBC, tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị chủ chốt, và cả những uỷ viên không thuộc Quân ủy Trung ương, nhưng nhân vật quan trọng nhất – Bí thư Quân ủy Trung ương, là ông Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt.

Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7, ông Trọng là thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, nhưng cũng không đến dự.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, theo báo chí nhà nước, ông đã gửi phát biểu chỉ đạo đến cả 2 hội nghị này.

Điều này dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người đứng đầu Đảng.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, cho rằng, hiện chỉ còn 2 người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ, để kế nhiệm ông Trọng, là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Điều này nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp một nhiệm kỳ thứ 4 vô tiền khoáng hậu. Thế nhưng, nếu sức khỏe ông Trọng không đảm bảo, thì chuyện kế vị ông Trọng sẽ được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

BBC đề cập việc ông Trọng đã vắng bóng trong 2 tuần liền và bỏ lỡ một số sự kiện ngoại giao quan trọng, vào đầu năm nay. Thời điểm đó đã nảy sinh đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông.

Tới ngày 15/1, ông Trọng xuất hiện trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa 15.

Một số video quay cận cảnh cho thấy, vị Tổng Bí thư đi lại khó khăn.

Sau cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, vào ngày 13/3, ông Trọng tiếp tục vắng mặt nhiều ngày hồi tháng 4 và 5, kể cả trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Vẫn theo BBC, trong tháng 6, ông xuất hiện tại 2 sự kiện: Cuộc họp lãnh đạo chủ chốt vào chiều 12/6 và đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/6, rồi sau đó vắng mặt.

Sức khỏe của ông Trọng đã nhiều lần trở thành tâm điểm của dư luận.

BBC nhắc lại việc Tổng Trọng bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang, vào ngày 14/4/2019. Tuy nhiên, 10 ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới lên tiếng: “Cường độ làm việc cao đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”.

Về phần mình, có đôi lần, Tổng Trọng nói ông không khỏe lắm.

BBC cho hay, chuyện Việt Nam không công bố tình trạng sức khỏe của ông Trọng, là theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Điều đáng chú ý là, thông tin về sức khỏe lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam không nằm trong một mục “bí mật nhà nước” riêng, mà được xếp chung với vi sinh vật và dược liệu quý hiếm.

Như vậy, BBC nhận định, nếu đúng vì lý do sức khỏe mà ông Trọng không thể tham dự các sự kiện quan trọng gần đây, thì cách báo chí đưa tin chung chung, không rõ ràng, có thể là đang chấp hành bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, trong nền chính trị Việt Nam, dù có luật trên hay không, thường là bộ máy chỉ tiết lộ thông tin về sức khỏe lãnh đạo sau một thời gian dài, khi công chúng cơ bản đã biết qua các kênh không chính thức.

Chẳng hạn, BBC cũng nhắc lại, chỉ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào tháng 9/2018, giới chức y tế mới cho biết, ông từng sang Nhật Bản điều trị.

 

Hoàng Anh – thoibao.de