Nước Nga đang rơi vào khủng hoảng

Ngày 11/7, báo Tiếng Dân đăng nhận định của tác giả Dương Văn Minh, rằng “Nước Nga trên bờ sụp đổ như Liên Xô hồi thập niên 1980!”

Tác giả cho rằng, những diễn biến gần đây cho thấy, sự ổn định của nước Nga đang ngày càng bị đe dọa.

Hôm qua [10/7], Chính phủ Nga đã công bố lịch cắt điện tại một số khu vực, sau các cuộc tấn công dữ dội của Ukraine vào cơ sở hạ tầng điện của họ. Trong một vấn đề liên quan, lệnh hạn chế mua nhiên liệu đã được áp dụng tại một số khu vực cách đây vài ngày. Hành động này là phản ứng trực tiếp, đối với các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu, làm phức tạp thêm cuộc sống hàng ngày của người dân Nga.

Tác giả nhận xét, những biện pháp này đưa cuộc chiến đến gần hơn với người dân Nga. Khi họ không thể bật đèn, đổ đầy bình xăng cho xe hơi, hoặc lái xe đi làm, tác động của cuộc chiến trở nên cá nhân và ngay lập tức. Điều này tạo ra hiệu ứng lan tỏa: Người dân bất mãn, hoảng loạn lan rộng, và thêm căng thẳng kinh tế đối với lực lượng lao động vốn đã quá tải.

Tác giả cho biết, nhiều thường dân Nga tỏ ra thờ ơ với cuộc chiến, trừ khi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự mất mát của một thành viên trong gia đình. Họ đã ủng hộ Chính phủ của mình, được thúc đẩy bởi sự khinh miệt sâu sắc đối với phương Tây và Ukraine. Tuy nhiên, sự ủng hộ này có thể dao động, khi họ không còn đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản, đi làm, hoặc tiếp cận điện, để tiêu thụ các sản phẩm tuyên truyền của nhà nước.

Theo tác giả, câu hỏi đang hiện hữu là, liệu họ có tiếp tục ủng hộ nhà lãnh đạo của mình, trong những hoàn cảnh tồi tệ như vậy hay không, hay họ sẽ bắt đầu thách thức chế độ từng có vẻ bất khả xâm phạm.

Ukraine, với sự hậu thuẫn của các đồng minh và một số cố vấn chiến lược nhất thế giới, dường như đang thực hiện một kế hoạch tỉ mỉ, nhằm làm mất ổn định nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Nga. Nga đang phải đối mặt với hậu quả của các hành động của mình. Gánh nặng ban đầu sẽ đổ lên đầu người dân nước này, cuối cùng sẽ đến tay giới lãnh đạo.

Tác giả bình luận, khi Tổng thống Putin điều hướng bể cá mập mà ông đang sống, câu hỏi vẫn còn đó: Bao lâu nữa thì hệ thống sẽ bắt đầu rạn nứt từ bên trong, do chính những người mà nó từng kiểm soát thúc đẩy? Khi những con cá mập nếm mùi máu trong nước, chúng sẽ bắt đầu xé toạc các chi của hệ thống.

Putin sai hay ngu dốt, khi quyết định bơi qua sông (xâm lược Ukraine), khi không lượng được sức mình?

Putin cầm cự tình trạng này của nước Nga đến bao lâu, khi mà nước lũ dưới chân đang tiến vào nhanh chóng?

Liên quan đến sự sụp đổ của Liên Xô, năm 2021, BBC Tiếng Việt đã chỉ ra 4 nguyên nhân. Theo đó, đa số các sử gia phương Tây đồng ý là, quá trình Liên Xô sụp đổ diễn ra không phải một lúc, mà từ nhiều năm trước, bắt đầu với thời kỳ trì trệ của Tổng Bí thư Leonid Brezhnev.

BBC cho hay, có 4 nguyên nhân chính được cho là làm Liên Xô tan rã: “Hệ tư tưởng mới” và cải tổ; sự chối bỏ ý thức hệ Cộng sản của đa số người dân; kinh tế suy sụp; và chủ nghĩa dân tộc.

Trong 4 nguyên nhân trên, yếu tố nào cũng quan trọng, nhưng quá trình suy thoái mang tính hệ thống xảy ra từ gốc rễ: Liên Xô chọn một mô hình phi thực tế và sử dụng bạo lực, quân đội, công an quá lớn, nhằm duy trì quyền chính trị của một đảng toàn trị, bóp nghẹt mọi sáng kiến Đổi Mới từ bên trong.

BBC dẫn quan điểm của tác giả James Nickels cho rằng, “hệ tư tưởng mới” chỉ mang tính “văn hóa”, có tạo ra xúc tác nhất định cho một môi trường sinh hoạt chính trị mới, nhưng không đóng vai trò quyết định về số phận của Liên Xô.

 

Quang Minh – thoibao.de