Mặc dù dự án Luật Đơn vị kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (thường gọi là Luật Đặc khu kinh tế) đã bị nhân dân cả nước phản đối quyết liệt khiến Quốc hội phải đưa ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật thì mới đây Chính phủ lại bất ngờ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21-4-2020 về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn. Quyết định này đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn nhiều chức năng mở (khoản 2 Điều 2 giao cho Ban quản lý “nhiệm vụ, quyền hạn khác được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền”), thực chất là tiếp tục thí điểm đặc khu kinh tế Vân Đồn. Nhất là quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục thúc đẩy chủ quyền phi pháp tại Biển Đông bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới khiến nhân dân cả nước những ngày vừa qua không khỏi hoang mang, lo lắng.
Chiều 15/5, tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tổ chức công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh và các quyết định về công tác cán bộ của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Facebooker Trần Sang nhận định trong khi cả nước đang sôi sục vụ án oan sai Hồ Duy Hải thì Đảng dường như nắm bắt được thời điểm thuận lợi để thông qua Nghị quyết thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Tác giả viết: “Vào thời điểm ngày 10/6/2018, người dân trên 12 tỉnh thành đồng loạt xuống đường chống Luật Đặc khu cho Trung Quốc thuê đất 99 năm thì nhà cầm quyền đã lập tức tuyên bố hoãn luật đặc khu. Thế nhưng các công trình của Trung cộng vẫn tiếp tục được xây dựng trên các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Và đến hôm nay ngày 15/5/2020 thì Vân Đồn đã công khai trở thành đặc khu kinh tế của Trung cộng. Người ta phải ngã mũ phục tài lừa dân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu như trước đây các quan chức chối bai bải về yếu tố Trung Quốc trong đặc khu kinh tế Vân Đồn thì bây giờ họ không còn giấu giếm gì nữa khi lên kế hoạch rằng: “Trong đó, Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt – Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Toàn bộ diện tích khu kinh tế nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn.”
Trả lời phỏng vấn BBC, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng bà ‘không được ai tham vấn,’ ‘hoàn toàn không biết’, và ‘thực sự bị bất ngờ’ với việc thành lập và đưa vào vận hành thí điểm khu kinh tế Vân Đồn của chính phủ Việt Nam.
Bà Chi Lan nói: “Có những lợi ích người ta theo đuổi mà bị đông đảo công chúng phản ứng, kể cả ở diễn đàn Quốc hội, thì người ta sẽ tìm con đường đi lặng lẽ, kín đáo hơn, có thể gọi đùa là ‘đánh úp’ với xã hội’.”
“Họ có thể có những cách vận động lặng lẽ hơn so với trước đó. Trước đây với Dự luật Đặc khu, có thể họ đã quá tự tin về khả năng được thông qua nên làm rất ồn ào, quảng bá rất ghê. Nào là Tổ Phượng Hoàng, nào là đầu tư một lãi mười lãi trăm. Nên khi bị bác bỏ thì nay họ rút kinh nghiệm.”
“Nhưng đáng tiếc là kể cả quay lại, cho thành lập mang tính thí điểm thì Chính phủ cũng nên tham vấn lại các các chuyên gia, những người đã phản biện mạnh mẽ luật này về nhiều mặt, thì khi ra quyết định sẽ chắc chắn hơn.”
Về thời điểm chính phủ Việt Nam đưa vào vận hành khu kinh tế Vân Đồn khi Trung Quốc đang tăng sức ép trên Biển Đông, bà Chi Lan cho rằng đây là sự ‘tình cờ’.
“Chứ không ai ngu dốt, vô trách nhiệm tới mức khi Trung Quốc đang lấn vào Biển Đông rất mạnh mà lại đi mở khu kinh tế Vân Đồn để cho Trung Quốc vào lãnh thổ của mình. Nếu cố tình như vậy thì vừa ngu dốt, vừa thiếu trách nhiệm, có thể nói là hành động phản quốc.”
Khi được hỏi về quyết định mang tính bất ngờ của Chính phủ, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: “Tôi không rõ Chính phủ có bàn với Quốc hội hay có ủy ban nào của Quốc hội đã duyệt qua đề án này hay chưa. Tôi không thấy báo chí trước đó nói gì. Những cũng khó để kết luận đây là quyết định đơn phương của Chính phủ. Nếu không hỏi ý kiến Quốc hội và các thành phần khác thì có nghĩa chính phủ đặt người dân vào trong sự đã rồi. Nhưng tôi không chắc về việc này.”
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, khi Chính phủ đã ra quyết định rồi thì người dân không làm gì khác được.
Điều duy nhất hiện nay có thể làm, là đề xuất Chính phủ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cách thức vận khành khu kinh tế Vân Đồn để người dân biết và Quốc hội giám sát.
Ông nói: “Tôi có đề xuất rằng nếu chính phủ chưa có kế hoạch gì thì đây là thời điểm tốt để đưa ra kế hoạch. Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể gắn liền với dự án được ban hành, để mọi người chưa biết thì được biết về khu này. Không chỉ cho dân biết mà cần trao đổi trên diễn đàn Quốc hội. Chúng ta không thể làm gì khác hơn vì không thể yêu cầu thủ tướng rút quyết định được.”
Bà Chi Lan thì nhận định ‘cần siết lại’ quyền hạn Ban Quản lý và cắt bỏ các đề xuất từng đưa ra trong Dự luật Đặc khu.
Bà nói : “Tôi cho rằng Chính phủ phải rút lại các đề án mà trước đây Vân Đồn đã đưa ra, đính kèm theo như phụ lục của Dự luật Đặc khu Kinh tế – vốn dự định là nếu Dự luật được thông qua thì các phụ lục này cũng được thông qua luôn. Bởi nếu làm theo các đề án đó thì rất dở.”
“Những chi tiết như cho thuê đất 99 năm. Những người ở các nước có chung biên giới với Quảng Ninh được tự do ra vào; được mua nhà cửa, được quyền sở hữu nhà và thừa kế cho con cháu họ. Nghĩa là mở cửa cho người Trung Quốc và con cháu họ, tự do mua đất, tự do sinh sống ở đó hết đời cha mẹ đến đời con cháu chắt. Và như vậy là quyền vĩnh viễn thuộc về họ. Như vậy là cho người Trung Quốc quyền cao hơn quyền của người Việt Nam ở nước ngoài – chỉ được mua nhà ở Việt Nam chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu, bán lại hay chuyển nhượng teo luật hiện hành. Tất cả những cái đó là không thể được.”
“Hay đề xuất cho nước ngoài đầu tư nhà máy điện hạt nhân, đầu tư sản xuất quân trang quân dụng. Những điều này vô lý quá mức. Đây là những điều công luận đã phản ứng rất mạnh mẽ. Trong đó tôi cũng từng phản ứng rất nhiều.”
“Ngoài ra, phải siết lại, và làm thật rõ quyền hạn Ban Quản lý đến đâu, chứ không được làm mọi thứ. Ban Quản lý này phải chịu giám sát của những đâu cũng phải quy định rõ ra, chứ không phải chỉ đối với tỉnh. Tỉnh có thể chỉ coi đây là một khu nhỏ trong địa bàn của mình, nhưng khu nhỏ đó có thể trở thành một cứ điểm để Trung Quốc vào và gây nguy cơ đối với an ninh quốc phòng của cả quốc gia Việt Nam.”
“Lúc đó nó không còn là vấn đề của một huyện, một tỉnh nữa mà đó là vấn đề của quốc gia. Do đó những người có trách nhiệm của quốc gia phải có trách nhiệm giám sát và phải siết kỷ cương, quyền hạn của khu này.”
Tiến sỹ Tô Văn Trường, cựu Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam khẳng định việc lập đặc khu Vân Đồn sẽ không giúp gì kinh tế Việt Nam về lâu về dài.
Ông phân tích: “Muốn kinh tế Việt Nam phát triển lâu dài thì phải thay đổi chính sách kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong nước chứ không phải tăng FDI vào những ngành về dịch vụ như du lịch hoặc là mở sòng bài.
Mà ngay trong trường hợp muốn tăng trưởng các dịch vụ này thì chỉ nên dùng các luật hiện hành ở các khu doanh nghiệp và không nên cho các đặc chế về cho thuê đất đai hay là dùng luật nước ngoài và cần nhất là không nên cho miễn visa đối với các nước láng giềng để tránh những tai hại lâu dài về độc lập và tự chủ của nước Việt Nam.
Thời của những đặc khu kinh tế như Hồng Kông hay Thẩm Quyến đã qua rồi. Và ngay cả hai đặc khu này cũng đâu cho quyền tự do ra vào và tự do dùng ngoại tệ?
Trên thực tế, Việt Nam đang lệ thuộc quá nhiều vào FDI và đặc biệt là nguồn cung từ Trung Quốc. Đáng lẽ phải đa phương hóa thì những đặc khu kinh tế kiểu Vân Đồn lại thể hiện giải pháp đâm đầu sâu hơn vào lòng Trung Quốc. Có hàng loạt câu hỏi cần đặt ra: Ai sẽ vào khu đặc biệt này, trừ Trung Quốc? Tại sao phải đối xử với Trung Quốc một cách đặc biệt như vậy? Việt Nam có thể giao thương trực tiếp với Tây phương thì tại sao cần khu đặc biệt? Nếu lúc nào đó mà bị Tây phương đánh giá là con bài của Trung Quốc thì Việt Nam có còn theo được phương châm “Làm bạn với tất cả các nước”, thậm chí có còn giữ được độc lập không?
Nếu phải lập ra khu Vân Đồn chỉ vì áp lực của Trung Quốc trong chương trình “Một vành đai, một con đường” thì xin Chính phủ Việt Nam cứ yên tâm. Sau vụ dịch COVID-19, chương trình này sẽ bị bỏ rơi hoặc đình trệ vì chính Trung Quốc sẽ gặp khó khăn phát triển kinh tế của họ, còn thì giờ đâu mà đi thực hiện giấc mộng bá chủ hoàn cầu nữa!”
Trong khi COVID-19 đã dạy cho cả thế giới một bài học về Trung Quốc và các nước phương Tây đã lũ lượt tìm mọi biện pháp để ‘thoát Trung’ thì Việt Nam đang đi ngược lại với trào lưu của thế giới.
Theo bà Chi Lan, hiện các nước trên thế giới đều đang cố gắng thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc bằng cách nỗ lực đón các luồng đầu tư mới và dịch chuyển dần sang đầu tư ở các quốc gia khác thì không có lý gì Việt Nam lại phát triển lệch hướng chung đó.
“Việt Nam đáng lẽ cũng phải chuẩn bị đón những dòng đầu tư đó, thì lại mở ra khu kinh tế Vân Đồn với những mục tiêu hết sức tùm lum.”
“Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất với chính phủ đẻ sớm đưa ra một luật về an ninh quốc phòng về kinh tế. Ngay Nghị quyết 52 mà Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài cũng nêu rõ không chấp nhận những dự án gây tác hại đến an ninh quốc phòng. Nghị quyết này phải được đưa vào thành quy định pháp lý và thực hiện.”
“Nhất là lúc này, nhiều nước, kể cả Mỹ, đã từ chối một số dự án đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Việt Nam cũng có quyền đó. Xu hướng hiện nay tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam để có thể phát triển, giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia khác trên cơ sở tương đồng về lợi ích, như với Mỹ, Nhật Bản, EU, v.v..”
“Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, các nước hiện đang muốn giảm bớt nguồn cung từ Trung Quốc và chuyển sang các nước khác, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này. Tất nhiên Việt Nam không đủ khả năng để chấp nhận tất cả, nhưng có một số lĩnh vực vn làm được, cái chính là cần cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực để đáp ứng, và chứng tỏ mình có khả năng tốt.”
Tiến sỹ Tô Văn Trường cũng khẳng định: “Lúc này, Việt Nam không cần đặc khu kinh tế mà cần các đặc khu trí tuệ tinh hoa để hút những trí tuệ lớn của thế giới từ Mỹ và Tây Âu đến. Cần những cơ chế đặc biệt để hút những bộ óc lớn trên thế giới về AI (trí tuệ nhân tạo), khoa học máy tính, sinh học… những nhà sáng tạo, những thinkers lớn đến Việt Nam.
Việt Nam đang được Mỹ và EU quan tâm và muốn thiết lập quan hệ sâu, nhưng cần tránh cách làm khôn lỏi, lập lờ giữa Mỹ và Trung Quốc. Lúc này Việt Nam cần rất rõ ràng: hợp tác chân thực với Mỹ và Châu Âu để phát triển kinh tế, tạo dựng xã hội văn minh. Việt Nam không chống Trung Quốc, cần giữ mối hòa hiếu, lợi ích giữa hai nước láng giềng nhưng phải rất rạch ròi, độc lập về kinh tế và chính trị, không để Trung Quốc lợi dụng Việt Nam là nơi né tránh đòn trừng phạt và cô lập của Mỹ.”
Vân Đồn là nơi mà Trung Quốc đã them khát từ bao lâu nay và đã dành nhiều thời gian, công sức để tiếp cận Quảng Ninh nhằm thực hiện dã tâm chiếm vùng đất quan trọng này.
Website của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung quốc thuộc Trường Đại học Thâm Quyến, ngày 14/3/2013 đăng tin: ngày 19/01/2013, Tỉnh ủy Quảng Ninh mà khi đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy đã mời 5 chuyên gia của Trung Quốc, trong đó có bà Giáo sư Đào Nhất Đào sang Quảng Ninh dự Hội thảo khoa học về Đặc khu Kinh tế. Hiện nay, ông Phạm Minh Chính đang giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương và một trong những ứng cử viên sáng giá cho bộ tứ quyền lực của Đại hội 13.
Đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này để rồi vào tháng 5/2018 khi Dự luật Đặc khu bất ngờ được trình ra Quốc hội mà không có một sự thông báo nào trước đó, một số Đại biểu Quốc hội đã nghi ngờ về sự không minh bạch của sự việc và phát biểu về những hậu quả mà Luật Đặc khu có thể rước về thì ngay lập tức, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ‘chặn họng’ các Đại biểu Quốc hội với một câu nói đi vào lịch sử Quốc hội rằng ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’để áp đặt các Đại biểu Quốc hội thông qua Dự luật bán nước này.
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đã có nhiều bài phân tích về đại địa mạch quốc gia mà trong đó Cảng Vân Đồn chiếm vị trí quan trọng đặc biệt.
Bà khẳng định: “Vân Đồn là một khu quân sự. Mà Quân sự thì không thể giao cho người nước ngoài đầu tư… Mất Vân Đồn là mất Vịnh Hạ Long, là mất nước.”
“Không phải ngẫu nhiên vô cớ mà trên Vịnh Bắc Bộ rộng lớn của chúng ta còn có Vịnh Hạ Long bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, ngay sát Cảng Vân Đồn lại có Vinh Bái Tử Long và ngoài khơi xa của Hải phòng có đảo Bạch Long Vĩ, ngoài ra còn có nhiều đảo có tên liên quan đến Rồng như Hòn Rồng, Long Châu, thôn Cái Rồng…, cái tên Long liên quan đến phần đuôi của con Rồng lớn xoè ra ở Đồng Bắc Bộ, đi xuống nước ở Cảng Vân Đồn và kết thúc ở đáy Đại dương thuộc Vịnh Mindanao thuộc Philippines.”
Cảng Vân Đồn và khu vực xung quanh nó là “một phần của đường kinh mạch lợi hại đi từ đỉnh Everest cao gần 9000m của dãy Hymalaya trên qua Cao Tây Tạng, qua nguyên Vân Nam, qua Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, xuống Vinh Hạ Long rôì đi đến đáy đại dương sâu nhất thế giới gần 11Km ở Vịnh Mindanao Philippines. Đó cũng là mạch đất độc đáo nối từ “Cổng Trời” đầy thiên khí đến “Địa Huyệt” đầy của cải có độ cao chênh nhau ngót 20Km và là đường kinh mạch quan trọng nhất thế giới.” Nếu Trung Quốc làm chủ được đường kinh mạch này thì họ có thể mau chóng làm chủ cả thế giới. Bởi vậy, lúc này họ đang cố sức “củng cố nơi họ đã là chủ và chiếm thêm nơi họ chưa chiếm được” mà trong đó các Đặc khu tại Việt Nam là điểm kết nối lý tưởng để thực hiện mong muốn đồng hóa, thôn tính và bá chủ toàn cầu.”
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)