Liệu VinFast có thể cạnh tranh được với BYD của Trung Quốc?

Ngày 18/7, RFA Tiếng Việt loan tin “Hãng xe điện BYD của Trung Quốc công bố kế hoạch đưa xe ồ ạt vào Việt Nam, đe doạ VinFast”.

RFA dẫn tin từ một hãng tin quốc tế, cho biết, hãng xe điện BYD của Trung Quốc hôm 18/7, công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam, qua việc mở rộng hệ thống phân phối xe tại Việt Nam, sau khi đã mở các cửa hàng đầu tiên vào tuần này, đe dọa hãng xe nội địa non trẻ VinFast.

Theo kế hoạch được công bố, BYD sẽ mở 13 điểm bán ở Việt Nam, vào ngày 20/8, và hy vọng, sẽ đưa con số này lên khoảng 100 điểm vào năm 2026.

RFA dẫn lời ông Võ Minh Lực – người phụ trách hoạt động của BYD Việt Nam, cho biết, 3 mẫu xe đầu tiên được giới thiệu, gồm xe Atto 3, sẽ tăng lên 6 mẫu vào tháng 10.

Tất cả các mẫu xe của BYD cho thị trường Việt Nam sẽ được nhập khẩu lúc này.

Ông Võ Minh Lực cho biết, hãng đang thảo luận với một số địa điểm ở Việt Nam, để thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy.

RFA nhận xét, mẫu xe Atto 3 sẽ được bán với giá 766 triệu đồng (khoảng 30.000 đô la), cao hơn so với mức giá 675 triệu đồng của xe VF 6 của VinFast.

VinFast kém thành công hơn so với BYD – hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

RFA so sánh, VinFast mới chỉ bán được 32.000 xe điện hồi năm ngoái, và phần lớn số xe này là bán cho các công ty con trong tập đoàn. Trong khi đó, số xe mà BYD bán được trên toàn cầu trong năm 2023 là hơn 3 triệu chiếc.

Liên quan đến đề tài này, ngày 1/7, RFA loan tin “Đối phó với làn sóng xe điện Trung Quốc, ông Phạm Nhật Vượng lập công ty mua bán, cho thuê xe điện”.

Theo đó, Tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, vào ngày 1/7, đã công bố thành lập công ty mua, bán xe điện cũ và cho thuê xe điện, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm giữ 90%.

Theo RFA, Công ty mới có tên Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF – Vì Tương lai Xanh – được VinGroup cho biết, là nền tảng giúp phát triển thị trường xe điện đã qua sử dụng, mang lại sự yên tâm cho các chủ xe VinFast về giá trị bán lại, khi có nhu cầu.

“Thông qua FGF, người tiêu dùng có thể tăng khả năng tiếp cận và chuyển đổi sang xe điện, với giá cả cạnh tranh và chất lượng đảm bảo, góp phần đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi xanh trên toàn quốc”, VinGroup thông tin.

RFA cho biết, trong giai đoạn đầu, FGF dự kiến có 1.000 – 2.000 xe cho thuê tự lái, gồm tất cả dòng xe VinFast, hoạt động tại các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… Sau khi chính thức vận hành, quy mô đội xe sẽ tiếp tục được gia tăng về số lượng, tiến tới mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn quốc.

RFA dẫn nhận định của truyền thông nhà nước, cho rằng, đây là nước cờ mới của ông Vượng, nhằm đối phó với làn sóng xe điện của Trung Quốc đang tràn vào thị trường Việt Nam.

Hãng xe điện non trẻ VinFast của ông Vượng có tham vọng không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn tìm cách chinh phục các thị trường lớn thế giới, như bắc Mỹ, châu Âu… bất chấp những khó khăn trong thời gian vừa qua, như nhận định không mấy tích cực của khách hàng Mỹ, hay những vụ kiện tập thể tại Mỹ.

RFA cũng cho biết, VinFast bắt đầu bán xe vào thị trường Mỹ hồi năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm nay, hãng mới chỉ giao được 9.689 xe, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đặt ra cả năm là 100.000 chiếc. Trong năm 2023, hãng chỉ bán được 35.000 xe, chủ yếu là cho hãng taxi của ông Vượng.

RFA cho biết thêm, hãng taxi VinFast sử dụng xe điện của hãng, được thành lập vào tháng 3/2023, với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, trong đó ông Vượng nắm 95% cổ phần.

 

Hoàng Anh – thoibao.de