Việt Nam sắp làm Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Coi chừng “há miệng mắc quai” với Trung Quốc?

Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra “Kế hoạch xây dựng Đường sắt Cao tốc xuyên Việt”, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Dự kiến, năm 2035 sẽ hoàn thành tuyến Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh, và đến năm 2050 sẽ hoàn thành toàn tuyến Lạng Sơn – Cà Mau.

Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam khóa 12, trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/6/2010, các đại biểu Quốc hội đã bác bỏ dự án Đường sắt Cao tốc theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

VnExpress online ngày 25/6 đưa tin,“Việt Nam dự kiến làm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào 2026 – 2027”. Bản tin cho biết, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, dài trên 1.500 km, dự kiến triển khai vào năm 2026 – 2027.

Đây là kết quả làm việc giữa phái đoàn Việt Nam và các công ty nhà nước của Trung Quốc, vào chiều ngày 25/6. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để triển khai dự án này, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc.

Đây là một phần của kế hoạch Chính phủ Việt Nam hợp tác với Trung Quốc, trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của ông Tập Cận Bình.

Trên mạng xã hội của người Việt, nhiều ý kiến lo ngại về việc Chính phủ Việt Nam vẫn chọn Trung Quốc làm chủ đầu tư cho Dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam, bất chấp nguy cơ nợ nần chồng chất, và thời gian thi công kéo dài. Theo đó, Việt Nam đã có bài học đắt giá trong việc hợp tác với Trung Quốc, trong dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Đây là dự án bị dư luận xã hội ở Việt Nam chỉ trích nặng nề, vì bị đội vốn từ 553 triệu USD lên hơn 868 triệu USD, và nhiều lần bị trì hoãn trong việc bàn giao, dẫn tới chậm tiến độ.

Cụ thể, Dự án được phê duyệt vào năm 2008, và dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2015. Nhưng, phải đến tháng 11/2021 mới chính thức được bàn giao và đi vào hoạt động. Những người quan tâm còn bày tỏ lo lắng, vì Việt Nam đã phải vay thêm 669 triệu USD từ Trung Quốc, cho dự án này.

Mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ này đang chuẩn bị báo cáo Chính phủ, về dự án xây dựng Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự kiến trình Quốc hội khóa XV, ngay tại kỳ họp tới đây. Trước đó, truyền thông nhà nước dẫn thông báo của Chính phủ, cho hay, từ ngày 28 đến 30/3, một đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã đến Trung Quốc, để tìm hiểu việc xây dựng hệ thống Đường sắt tốc độ cao của nước này.

Theo truyền thông nhà nước, Việt Nam hiện đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc, với chiều dài 1.545 km, và vốn đầu tư khoảng 72 tỷ đô la, chiếm khoảng 17% GDP. Theo Chính phủ Việt Nam, công nghệ đường sắt của Trung Quốc là phát triển nhất thế giới, vì vậy. Việt Nam muốn học kinh nghiệm, đặc biệt là công nghệ, khả năng huy động vốn và quản lý của Trung Quốc.

Đây là một sự thay đổi lớn so với trước đó. Vào năm 2023, Chính phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhật Bản, trong việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc. Nguyên nhân của sự thay đổi này, có thể là, trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình, vào tháng 12/2023, 2 nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký một loạt các thỏa thuận, bao gồm thỏa thuận về hợp tác xây dựng các tuyến đường sắt.

Trang website của Đài tiếng nói Việt Nam có bài: “Giải mã “bẫy nợ” trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, đã đưa ra cảnh báo:

“Các dự án nói trên nằm trong siêu dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, thông qua các đầu tư vào cơ sở hạ tầng các nước khác, Trung Quốc đã chi rất lớn cho các dự án hạ tầng ở nước ngoài. Cho đến nay, theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), đã có ít nhất 8 quốc gia đang gặp khó khăn đặc biệt do vấn đề nợ nần, liên quan đến đại dự án BRI.”

Theo giới quan sát, các khoản vay này có thể khiến một số quốc gia bị phụ thuộc vào Trung Quốc, và chịu ảnh hưởng chính trị từ nước này./.

 

Trà My – Thoibao.de