Việt Nam bị kẹt trong tư duy của chính mình

Link Video: https://youtu.be/n4c3FVgF38Y

Ngày 8/6, RFA Tiếng Việt đã có bài phỏng vấn hai nhà nghiên cứu, Raymond Powell ở Đại học Stanford, và Trần Bằng từ Đại học Paris 2 Pantheon – Assas về thảm họa vỡ đập nước ở Ukraine. Bài phỏng vấn có tựa đề “Đập nước ở Ukraine bị vỡ ảnh hưởng ra sao tới tình hình thế giới và Việt Nam?”

Theo đó, đập thủy điện tại thành phố Nova Kakhova trên sông Dnipr đã bị vỡ vào ngày 6/6, khiến toàn bộ vùng hạ lưu, đông nam của vùng Donbass, gồm khoảng 80 ngôi làng, thị trấn, thành phố, trong đó có thành phố Kherson, bị ngập.

RFA dẫn lời ông Raymond Powell, nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông ở Đại học Stanford nói rằng:

“Tôi nghĩ rằng, có nhiều khả năng Nga là bên chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập, nhưng chúng ta chưa thể chắc chắn. Hiện nay khó có thể đưa một kết luận quá rộng.

“Nếu là Nga thì đó là một hành động tồi tệ, nhưng tôi không biết, liệu đó có phải là điều tồi tệ nhất mà họ đã làm hay chưa. Họ đã xâm chiếm nước láng giềng, san bằng các thành phố một cách bừa bãi và bắt cóc trẻ em trở về Nga. Danh sách tội ác chiến tranh của họ đã dài. Vì vậy, mặc dù đây là một sự kiện khủng khiếp, nhưng tôi không chắc nó thay đổi bao nhiêu cách khu vực hoặc thế giới phản ứng với Nga.”

RFA dẫn lời nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, nhận xét:
Khi xem hình ảnh và video thì tôi cảm giác vị trí bị vỡ ở khá cao trên thân đập, nên có lẽ tác hại cũng hạn chế được phần nào. Chúng ta thử tưởng tượng, nếu thổi bay cả con đập, toàn bộ nước hồ chứa thoát xuống, thì thảm họa kinh khủng lắm.”

Ông Trần Bằng cho rằng, chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm cho vụ này, nhưng nếu “Nga phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này, thì giờ đến mức này, Nga cũng sẽ mặc kệ thôi. Họ không quan tâm nữa, bị lên án nhiều rồi thì bị lên án thêm nữa cũng vậy. Bây giờ bên nào thắng trên chiến trường sẽ có tiếng nói quyết định về cục diện.”

Hình: Bài phỏng vấn trên RFA

“Không ai có thể tiên đoán hoặc khẳng định gì về tương lai. Nhưng xu thế chung là phương Tây có lẽ giải quyết xong Nga thì sẽ đến lượt Mĩ – Trung tranh hùng gây cấn hơn. Họ sẽ không đánh nhau trực tiếp, như Liên Xô và Mỹ không đánh nhau vậy. Nếu có va chạm, các cường quốc sẽ va chạm ở vùng đệm trước. Và chúng ta không thể biết vùng đệm đó là vùng nào trong tương lai.”

“Vùng đệm đó sẽ phải nhỏ, vừa đủ để hai bên thử sức. Không loại trừ đó có thể là Việt Nam và Biển Đông, vì nó “vừa miếng” với tất cả. Thành ra tôi không nghĩ là Mĩ sẽ cần Trung Quốc để kiểm soát Nga. Châu Âu “kèm” Nga là được rồi, nó làm châu Âu không thể thoát quá xa khỏi Mĩ, vừa giữ cho Nga không quá cực đoan.”

“Việt Nam cần Nga để cân bằng với Trung Quốc, đúng hơn là Việt Nam cố gắng neo với Nga, với hi vọng làm Trung Quốc cư xử vừa phải hơn. Đấy có lẽ là lí do lớn nhất, ngoài chuyện mua vũ khí Nga thì rất dễ dàng, do Nga không có cơ chế minh bạch như Mỹ hay Châu Âu.”

“Thành ra chuyện đập nước bị phá chắc không ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Việt Nam với Nga.” 

“Còn nếu đánh giá về chiến lược này của Việt Nam, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của Việt Nam là neo chính trị, quân sự và kinh tế vào cả 3 hướng Trung Quốc, Nga và phương Tây. Từ trước tới nay, 3 bên có xung đột nhưng thấp, thì đó là chiến lược tốt. Từ khi chiến tranh Ukraine đến nay, cả 3 ông lớn xoay ra đánh nhau thì chiến lược đó là gánh nặng, Việt Nam nên tìm cách thay đổi để tìm giải pháp tối ưu.”

Tôi nghĩ là Việt Nam không hẳn cảm thấy thoải mái khi bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như ở Đối thoại Shangri-La 2023 vừa rồi, Việt Nam tham dự nhưng im lặng. Có lẽ vì trong lúc căng thẳng ở Ukraina và Biển Đông vẫn đang diễn ra, Việt Nam không muốn phát biểu. Hoặc cũng có thể Việt Nam đang kẹt trong tư duy của chính mình, vừa là kẹt tư duy chính sách, vừa là kẹt trong tư duy thích làm “đại trượng phu”, nghĩa hiệp, không bỏ bạn cũ, bất luận bối cảnh thế giới đã thay đổi.”

“Rất lạ là Việt Nam tuy một mặt nghĩ mình yếu và chấp nhận nhẫn nhịn cho qua chuyện, nhưng luôn thích làm người nghĩa hiệp. Trong khi Trung Quốc đang tung tàu khảo sát xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố công khai là đang hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của họ, thì Việt Nam vẫn mời tàu hải quân Trung Quốc đến “giao lưu. Có lẽ Việt Nam muốn nói rằng, ta rất quân tử, tuy Trung Quốc xấu nhưng ta cư xử vẫn đúng mực. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì khá giống nhân vật AQ trong tiểu thuyết “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn.

Hình: Việt Nam vẫn mời tàu Hải quân Trung Quốc giao lưu dù đang căng thẳng trên Biển Đông

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Báo chí không dám réo tên xe VinFast gây tai nạn, lệnh của Vượng hay lệnh của Đảng?

>>> Bảo vệ Đảng nhưng hô hào bảo vệ Tổ quốc, đánh tráo khái niệm để trục lợi trên đầu dân!

>>> Video nhóm nổi dậy tại Tây nguyên trước giờ xuất phát hôm 11.06.2023

Nhà hoạt động trẻ Nguyễn Anh Tuấn cùng gia đình đã đến Canada