Xây tượng đài, cổng chào, khổ dân nhưng béo quan: Chủ trương lớn của ai?

Trong dư luận Việt Nam vẫn luôn tồn tại một câu hỏi, đó là: Vì sao nhiều tỉnh, thành phố lại “thích” xây tượng đài, cổng chào mang tính phô trương. Trong lúc, các bệnh viện luôn ở tình trạng thiếu giường, phải nằm ghép, trang thiết bị phục vụ cho người bệnh cũng không đủ.

Tại sao, có những tỉnh nằm trong danh sách phải “xin gạo cứu đói” cho dân hàng năm, song, vẫn sẵn sàng đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng vào việc xây tượng đài?

VnExpress online ngày 2/1/2024 đưa tin với tiêu đề, “Cà Mau xây tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc”. Bản tin cho biết, tỉnh Cà Mau vừa khởi công xây cụm tượng đài kỷ niệm “chuyến tàu tập kết ra Bắc” năm 1954, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Dự án còn kèm theo các hạng mục phụ như cầu, đường, bờ kè, bãi đậu xe, khu vực tổ chức sự kiện, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Dự án này dùng cả ngân sách Trung ương, cả ngân sách của tỉnh, và huy động từ các nguồn khác, với tổng kinh phí là 176 tỷ đồng. Toàn bộ công trình nằm trên diện tích 10,8 ha, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2024, đúng dịp kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc vào năm 1954.

Đều đáng nói, dự án này được chi với kinh phí lên tới 176 tỷ đồng, tương đương với 7.2 triệu USD, trong khi, nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau vẫn thiếu trường học, thiếu trạm y tế, và thiếu cầu đường cho các vùng nông thôn nghèo.

Dư luận cho rằng, khoảng 20 năm trở lại đây, tình trạng các tỉnh, thành phố đua nhau xây tượng đài như một bệnh dịch, là một vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Theo giới chuyên gia, nhu cầu xây tượng đài ồ ạt trong thời gian qua, đã cho thấy, điều này hoàn toàn không liên quan đến nhu cầu văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ, hay truyền thống của người dân. Mục tiêu của các dự án này, chỉ là để lãnh đạo các địa phương kéo vốn ngân sách Trung ương về địa phương mình, để xà xẻo lấy tiền chia nhau bỏ túi.

Khi việc xây dựng tượng đài trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, thì chắc chắn không ai dám ngăn cản. Đồng thời, dự án sẽ dễ dàng được thông qua, với kinh phí được duyệt khá thoáng. Đó là chưa kể tới việc điều chỉnh, sửa đổi thiết kế, nên dự toán phát sinh sẽ được nâng giá theo thỏa thuận giữa các bên. Đây là điều kiện cho các quan chức địa phương tha hồ kiếm chác.

Một điều đáng báo động là chất lượng của các công trình tượng đài. Đa số các tượng đài, sau khi khánh thành thì xuống cấp rất nhanh. Do thi công ẩu, bớt xén số lượng và chất lượng nguyên vật liệu… nên chỉ sau một thời gian ngắn, các di tích tượng đài mau chóng trở nên hoang phế, tàn tạ. Ví dụ, tượng đài ở Đông Triều, Quảng Ninh, trị giá 25 tỷ đồng bị sét đánh vỡ chóp, vì không có cột thu lôi, sau khi khánh thành 10 tháng; tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, trị giá 411 tỷ đồng ở Quảng Nam, chỉ sau hơn một tuần khánh thành đã bong tróc gạch lát nền phía trước tượng đài…

Dù rằng, công luận và truyền thông nhà nước đã từng lên tiếng rất nhiều về vấn nạn này. Nhưng xem ra, việc xây tượng đài rất khó chặn, bởi nguồn lợi này quá “béo bở” đối với các quan chức địa phương.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, tại sao nhà nước không bớt các dự án xây dựng tượng đài, cổng chào ở các địa phương trên toàn quốc, để dành ngân sách đó cho các vấn đề an sinh xã hội, như xây thêm bệnh viện, trường học, và các công trình phúc lợi cho người dân. Đó là một vấn đề cấp thiết.

Một số người dân ở Việt Nam mà phóng viên của thoibao.de có dịp tiếp xúc, cho rằng, phát triển văn hóa cũng cần, nhưng nên dành ngân sách để lo cho những vấn đề thiết thực hơn, như đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào bệnh viện, trường học, hay xóa đói giảm nghèo… Còn việc đổ tiền tỷ ra xây tượng đài, thì dân chẳng được hưởng gì, trong lúc, đa phần người dân ở Việt Nam lo ăn còn chưa xong, thì còn hơi sức đâu để ngắm tượng đài?

Theo thống kê, điển hình là tỉnh Thanh Hóa, các dự án xây dựng tượng đài trở thành một chiến lược “làm giàu cho lãnh đạo”.

Cụ thể:

Tháng 8/2022, Thanh Hóa khởi công xây dựng tượng đài “ Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc” với trị giá là 255 tỷ đồng.

Ngày 21/2/2023, Thanh Hóa khởi công xây dựng một công viên tưởng niệm “64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê Sông Mã, trong năm 1972”, trị giá hơn 125 tỷ đồng.

v.v… và v.v…

Đắk Nông là một tỉnh nghèo ở Tây Nguyên, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 28%. Vậy mà, tỉnh này mới công bố khánh thành tượng đài anh hùng N’Trang Lơng, với tổng kinh phí đầu tư tới 167 tỷ đồng.

Chủ trương xây dựng tượng đài có ý nghĩa thuần túy phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một mặt khác, các quan chức cũng được “xơ múi” kha khá, và nó chính động lực để các quan nghĩ đủ cách để dựng hết tượng đài này đến tượng đài khác.

Xây dựng tượng đài rất dễ tham nhũng, tỷ lệ xà xẻo trong các công trình tượng đài có thể lên đến 60 – 70%, trong khi, các công trình xây dựng bình thường chỉ có mức lại quả khoảng 30 – 40%.

Đó là lý do, vì sao lãnh đạo các địa phương ở Việt Nam rất “mê say” xây dựng tượng đài và cổng chào, mặc kệ dân thiếu đói./.

Trà My – Thoibao.de

4.1.2024