Vì sao trước khi chết, Tổng Trọng lại chọn Tô Đại, chứ không chọn Lương Cường kế nhiệm?

Sự ra đi của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được truyền thông nhà nước Việt nam công bố chiều ngày 19/7. Trước đó tối 18/7, Ban tổ chức Chương trình nghệ thuật “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình”, dự kiến diễn ra vào tối 19/7, tại tỉnh Quảng Trị, cũng đã ra thông báo hoãn biểu diễn Chương trình này.

Một nguồn tin nội bộ ngày 18/7 cho thoibao.de biết, ông Trọng đã chết não, một hay hai ngày nũa sẽ công bố. Và từ ngày 19/7, chính quyền sẽ hoãn tất cả các chương trình văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Truyền thông quốc tế cũng đưa tin, ông Trọng “đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, từ chiều ngày 17/7/2024”.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, cũng không quá bất ngờ. Sự ra đi của ông trong bối cảnh cuộc đấu đá, cạnh tranh, ở thượng tầng lãnh đạo cấp cao đang diễn ra quyết liệt. Đặc biệt, thời điểm này lại ngay trước Hội nghị Trung ương 10. Đây là một Hội nghị quan trọng, nhằm chuẩn bị danh sách nhân sự “chủ chốt” cho Đại hội Đảng 14, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Trước đó, theo giới quan sát, ngày 18/7, trong một thông báo được cho là “hiếm hoi” của Bộ Chính trị, đề cập đến sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng. Theo đó, Bộ Chính trị đã chỉ định Chủ tịch nước Tô Lâm thay ông Trọng điều hành các công việc trong nội bộ Đảng. Điều này cho thấy, sức khỏe ông Trọng đã rất nguy kịch.

Cùng ngày 18/7, theo một thông báo chính thức, Bộ Chính trị đã Quyết định trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Tổng Trọng. Chủ tịch nước Tô Lâm là người ký Quyết định tặng thưởng này.

Đáng chú ý, công luận thấy rằng, theo thông lệ, việc trao tặng Huân chương Sao Vàng, thường là để thưởng cho những cá nhân đã hoàn thành nhiệm vụ, hoặc đã qua đời. Ít nhất, kể từ năm 2009 đến nay, những cá nhân được trao tặng Huân chương Sao Vàng đều là “sau khi đã qua đời”.

Theo giới phân tích, việc Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ Chính trị thống nhất giao nhiệm vụ điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, là một thắng lợi hoàn toàn của Đại tướng, cựu Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng thời, điều này cũng khiến xuất hiện các dự đoán rằng, thời gian đảm nhiệm quyền lãnh đạo Đảng của ông Tô Lâm, có thể sẽ kéo dài đến Đại hội 14, dự kiến diễn ra năm 2026.

Một câu hỏi được đặt ra là, vì sao, Chủ tịch nước Tô Lâm được lựa chọn, mà không phải là những nhân vật khác? Cụ thể, như Thường trực Ban Bí thư – Đại tướng Lương Cường?

Trong hệ thống các quy định về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, và Thường trực Ban Bí thư là người có vị trí và nhiệm vụ, tương đương với một Phó Tổng Bí thư. Nghĩa là, khi Tổng Bí thư, vì một lý do nào đó không thể điều hành Đảng, thì đương nhiên, Thường trực Ban Bí thư sẽ tạm thay quyền Tổng Bí thư.

Thế nhưng, theo giới phân tích, trong thông báo của Bộ Chính trị, về việc giao trọng trách cho Chủ tịch nước Tô Lâm, đã dùng từ “điều hành”, chứ không phải giao vị trí “Quyền Tổng Bí thư”. Vì vậy, việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường bị gạt ra ngoài là điều dễ hiểu.

Một nguồn thạo tin cho BBC Tiếng Việt biết, “trước khi hôn mê sâu vào chiều ngày 17/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn ông Tô Lâm, là người điều hành Đảng, và sau đó, Bộ Chính trị đã thống nhất”. Vẫn theo BBC, Tổng Trọng tin tưởng Tô Lâm, vì ông Tô Lâm đã đóng vai trò quan trọng, trong công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng.

Việc Chủ tịch Tô Lâm, chứ không phải Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, tạm thời thay thế vai trò của Tổng Trọng, đã cho thấy, khả năng cao, ông Tô Lâm sẽ làm Tổng Bí thư tại Đại hội 14.

Điều đó cho thấy, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thành công khi hạ bệ hàng loạt các nhân sự cấp cao, nếu dám ngáng đường, hoặc không thuộc phe cánh, trong việc tiến tới chức Tổng Bí thư kế nhiệm ông Trọng. Các nhân vật như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ hay Trương Thị Mai… là chủ trương của Tổng Trọng, được cho là để phục vụ cho kế hoạch ông Trọng ngồi lại nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ 4, tại Đại hội 14. Họ đã bị Tô Lâm loại ra vòng đấu một cách dễ dàng.

 

Trà My – Thoibao.de