Quan tham thủ tiền, ông Chính yêu cầu giảm chi ngân sách – nhiệm vụ có khả thi?

Ngày 4/1/2024, VOA Tiếng Việt loan tin “Thủ tướng Việt Nam yêu cầu giảm chi ngân sách; bội chi 2024 dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng”.

Theo đó, Thủ tướng Việt Nam ra chỉ thị hôm 4/1 về “tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước”, nhấn mạnh cần tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm so với dự toán được giao. Trước đó, Bộ Tài chính công bố bản dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, với mức thâm hụt có thể lên đến hơn 400 nghìn tỷ đồng.

VOA cho biết, bản chỉ thị, được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, viết rằng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố, các địa phương… phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về ngân sách và tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo VOA, một ưu tiên cao được Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh trong bản chỉ thị là, các cơ quan nhà nước và các địa phương phải “đẩy mạnh cơ cấu lại, chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách nhà nước”.

Ngoài ra, VOA cho hay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan, các địa phương “chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết”, mà cụ thể là trong năm 2024, nhắm đến “cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm” về chi thường xuyên, so với dự toán được giao để “tăng đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội”.

Vẫn theo VOA, chỉ thị này được đưa ra chỉ ít ngày, sau khi Bộ Tài chính công khai dự toán ngân sách nhà nước, trong đó nêu ra con số tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là gần 1 triệu 701 nghìn tỷ đồng, bao gồm thu nội địa là chính, dự kiến đạt hơn 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, từ dầu thô, xuất nhập khẩu, và từ nhận viện trợ.

Ngân sách dự kiến bị thâm hụt gần 420 nghìn tỷ đồng, vì tổng chi ngân sách sẽ khoảng gần 2 triệu 120 nghìn tỷ đồng, trong đó, phần nhiều nhất là chi thường xuyên. Các khoản chi lớn khác được dự tính cho năm là: chi đầu tư phát triển; trả lãi các khoản nợ; chi cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội.

VOA cho biết thêm, mức thâm hụt ngân sách được tính ra từ các con số về tổng thu và tổng chi, nêu trong bản dự toán của Bộ Tài chính, có sự chênh lệch khoảng 19 nghìn tỷ đồng so với mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định, trong nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2024.

Mức bội chi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2023 là hơn 399 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách Trung ương khoảng 3,4% GDP, phần còn lại là bội chi ngân sách địa phương.

Mặc dù Thủ tướng yêu cầu giảm chi ngân sách, tuy nhiên, đây có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi bên cạnh việc hô hào giảm chi, thì Thủ tướng và Chính phủ cũng đang hô hào tăng đầu tư công và tăng tín dụng, để cứu vớt nền kinh tế đang trên đà tuột dốc. Hơn nữa, nếu giảm chi ngân sách, thì quan chức Chính phủ biết lấy gì để bỏ túi? Ở Việt Nam, ai cũng biết, quan chức đều sống nhờ “lậu”, chứ không ai sống nhờ lương, mà “lậu” có một phần lớn bị rút ra từ ngân sách nhà nước.

“Bội chi ngân sách” là cụm từ quen thuộc với người dân Việt Nam. Đã từ vài chục năm qua, hầu như năm nào, cụm từ này cũng được nhắc tới, khiến người dân dần trở nên bàng quang.

Tuy nhiên, trong tình hình suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng, số lao động mất việc làm ngày càng gia tăng, thì “bội chi ngân sách” có thể sẽ trở thành một trong những quả bom không hẹn giờ đối với số phận của Đảng.

Những quả bom khác có thể phát nổ trong năm 2024 hoặc những năm tới, có thể kể như: một loạt đại gia bất động sản phá sản; khủng hoảng tài chính – ngân hàng; nợ công, nợ xấu; khủng hoảng lương thực do biến đổi khí hậu; thất nghiệp tăng quá cao…

Thu Phương – thoibao.de

5.1.2024