Xử vụ Việt Á, bộ mặt trùm cuối lờn vờn hiện rõ!

Trong vụ án Việt Á đang xét xử, hai nhân vật được cho là có liên quan đến gia đình ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đều phải ra trước vành móng ngựa. Đó là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; và bà Nguyễn Bạch Thùy Linh – cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên SNB Holdings.

Điều đặc biệt là, báo chí quốc doanh không hề đề cập đến thân thế của hai nhân vật này. Với bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, báo chí chỉ đưa rằng:

“Điều kiện Công ty Capitaland đưa ra, Chủ tịch Việt Á không thực hiện được. Song, do bị cáo Thủy có mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, nên cựu chuyên viên nhà xuất bản có thể can thiệp, tác động đến lãnh đạo các Bộ, ngành, để có Thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam, hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại buổi lễ, tiếp nhận ủng hộ của Công ty Capitaland”.

Như vậy, “Bị cáo Thủy có mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ”, người đó là ai? Tại sao báo chí không dám nêu tên?

Như vậy là, báo chí không dám đụng đến “vùng cấm”, không được nói gì thêm ngoài thông tin từ tòa, từ công an…

Báo chí quốc doanh bị hạn chế bởi “vùng cấm”, còn báo chí tự do thì không bị ràng buộc nào. Từ lâu, báo chí tự do đã cho biết, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy là em con chú ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc. Và như vậy, “lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ” mà báo chí đề cập, chính là ông Nguyễn Xuân Phúc lúc còn làm Thủ tướng. Vì mối quan hệ này, Phan Quốc Việt mới mạnh tay chi đến 40% giá trị hợp đồng cho Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh.

Còn Nguyễn Bạch Thùy Linh là ai? Cũng không hiểu vì lý do gì mà hình ảnh bị cáo Nguyễn Bạch Thùy Linh không được báo chí đưa. Được biết, bà này không có bà con họ hàng với gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng gia đình chồng bà có quen biết với gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc.

Chồng Nguyễn Bạch Thùy Linh là Ngô Mê Giang – con trai út của cố Đại sứ Ngô Điền. Ông Ngô Điền cùng quê Điện Bàn với bà Trần Thị Nguyệt Thu – vợ ông Nguyễn Xuân Phúc. Hai gia đình này rất thân nhau.

Trong làm ăn, Nguyễn Bạch Thùy Linh có hùn vốn với con gái ông Nguyễn Xuân Phúc là Nguyễn Thị Xuân Trang, trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phân phối SNB (tức SNB Distribution). Đây là Công ty con trong hệ sinh thái SNB Holdings. Trong Công ty này, Nguyễn Bạch Thùy Linh nắm 50% cổ phần, Nguyễn Thị Xuân Trang 48% cổ phần, và 2% còn lại do một cổ đông khác nắm giữ. Khi Nguyễn Bạch Thùy Linh bị bắt giữ, thì Nguyễn Thị Xuân Trang vẫn đang là vùng cấm.

Có một chi tiết rất đáng ngờ, đấy là, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ chỉ là chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục, mà lại gọi điện cho ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, để nhờ ông này có mặt tại buổi trao tặng kit xét nghiệm.

Vậy, một chuyên viên của một ngành khác, lấy quyền lực nào để điều được một Thứ trưởng Bộ y tế? Điều đó cho thấy, phải có người điều ông Long chứ không phải bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. Người đó, ngoài ông Nguyễn Xuân Phúc – anh con bác của Nguyễn Thị Thanh Thủy – thì còn ai khác?

Tại tòa, bà Thủy khai quen ông Long và thư ký của ông Long, do thời gian dài ở Tuyên Quang, bà từng dạy trường Trung cấp Y tế, nên “hay về Bộ Y tế tập huấn”. Một chuyên viên nhỏ bé, chỉ đi tập huấn mà quen đến Thứ trưởng, một vở kịch không được hay vì nó thiếu tính logic.

Theo thông tin riêng cho chúng tôi biết, ông Nguyễn Thanh Long, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Lê Minh Hưng là chỗ thân quen. Những gì ông Nguyễn Thanh Long làm, không phải do Nguyễn Thị Thanh Thủy điều khiển, mà là ông Nguyễn Xuân Phúc. Đó chính là địa chỉ của trùm cuối.

Nhưng khổ nỗi, chính ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra vùng cấm, cấm báo chí khai thác vào đấy.

Ngoài ra, 80% cổ phần trong Công ty Việt Á, đến nay cũng là một vùng cấm. Ông Tô Lâm cũng không lôi ra được nhân vật nào đứng tên phần góp vốn này. Việc điều tra ra người góp vốn rất dễ, nhưng tại sao Tô Lâm lại không điều tra, để tẩy rửa cho sạch tập đoàn tội phạm này? Để ém 80% cổ phần bí ẩn này, mới đây tuyên giáo chỉ đạo báo chí sửa lại Phan Quốc Việt sở hữu 47,24% cổ phần và Hồ Thị Thanh Thuỷ vợ Việt sở hữu 24% cổ phần. Đây là nghi vấn rất lớn, Đảng không thể qua mắt nhân dân với trò tẩy xoá lộ liễu vậy được.

Còn nhớ, ngày 4 /2/2023, tại buổi lễ bàn giao ở Văn phòng Chủ tịch nước, ông Phúc khẳng định: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi, không tư lợi, không tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. Cái gọi là “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”, là kết quả của một cuộc ngã giá chính trị. Anh rút thì anh được an toàn và vùng cấm được tạo ra như thế.

Ý Nhi – Thoibao.de

5.1.2024