Ngày 18/1, blog Gió Bấc trên RFA Tiếng Việt có bài “Nguyễn Công Khế: hình mẫu con người mới Xã hội Chủ nghĩa”.
Tác giả cho biết, theo wikipedia, năm 1986, ông Nguyễn Công Khế và ông Huỳnh Tấn Mẫm cùng sáng lập báo Thanh Niên – diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ban đầu, ông Khế làm Phó Tổng Biên tập. Từ năm 1988, ông giữ vai trò Tổng Biên tập tờ báo này.
Nhưng, theo tác giả, ông Huỳnh Tấn Mẫm đã là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn – Gia Định từ trước 1975, vào Đảng từ năm 1968, là người dẫn đầu phong trào đấu tranh của sinh viên miền Nam, từng 11 lần bị vào tù. Sau 1975, ông Mẫm là một nhân vật có chức sắc tại các cơ quan: Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương.
Trong khi đó, trước 1975, ông Khế chỉ là một quần chúng mới tham gia phong trào, sau 1975, ông chỉ là một phóng viên quèn, thì làm sao có “tuổi” để đồng sáng lập báo Thanh Niên.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm xin cho Khế chức Phó Tổng Biên tập đã phải mất nhiều công sức.
Tác giả dẫn nhà văn, nhà báo Đào Hiếu, là bạn đồng niên, cùng ở tù chung với ông Mẫm, đề cập đến vụ Khế hất ông Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi báo Thanh Niên, đăng trên trang Facebook cá nhân.
Đồng thời, tác giả nhận định, cuộc đảo chánh của Nguyễn Công Khế ở báo Thanh Niên thành công, vì cuộc tiếm ngôi này thuận theo ý Đảng.
Tác giả cũng cho biết, mới đây Facebook của Kiến trúc sư Nguyễn Hồ, sinh viên Sài Gòn trước 1975, lại trưng ra văn bản của Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo, nhận tên Việt Cộng Nguyễn Công Khế, từ trại giam Tam Hiệp về Phủ Đặc uỷ để nhận công tác. Té ra, từ tuổi mới bước vào đời, Khế đã học và hành nhuần nhuyễn kiểu đi hàng hai, tương tự “ngoại giao cây tre” ngày nay.
Chuyện Khế luồn cúi, phe cánh, hất chân Mẫm chiếm ghế Tổng Biên Tập, cũng là phẩm chất, năng lực đặc trưng của con người Cộng sản, theo thế hệ tiền nhân là phải cướp chính quyền.
Tác giả dẫn lời kể của nhà báo Trần Mai Hạnh, theo đó, khi ông gửi bài viết về tiêu cực cho báo Thanh Niên, nhưng đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng. Sau đó, ông Hạnh nhận được thông tin, ông Khế đã gửi bài của ông Hạnh ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét, bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài Tiếng nói Việt Nam để tống tiền nhà báo Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!
Tác giả dẫn nhà báo Lê Phú Khải cho hay, Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn, y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhưng khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó ở Trung ương, thì Khế không đăng, mà gửi bài cho vị lãnh đạo đó biết “để giữ uy tín” cho họ, thế là, vị đó đã “mắc nợ” và phải chiều theo ý Khế.
Nhà báo Lê Phú Khải dẫn kết luận của một người bạn, rằng: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”!
Tác giả cho biết thêm, ông Khế không chỉ luồn lách, nịnh bợ, hù dọa làm tiền. Nguyễn Công Khế còn dùng tờ Thanh Niên làm vũ khí, phục vụ cho đấu trường đẫm máu trong cuộc các cuộc đấu đá nội bộ ở cấp thượng tầng. Như vụ Năm Cam hay vụ PMU18, đều có yếu tố thanh trừng nội bộ.
Sau những vụ này, thanh thế của Khế càng lên dữ dội.
Theo tác giả, năm 2007, mượn đám tang mẹ, Khế một lần nữa phô trương thanh thế khi đăng lời cảm tạ với một danh sách gần 200 cá nhân, đơn vị, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, đến các lãnh đạo địa phương, cả đương chức lẫn đã nghỉ hưu. Đây là chuyện xưa nay chưa hề có.
Vẫn theo tác giả, sau khi gió đổi chiều năm 2008, nhưng Khế cũng chỉ bị cho thôi chức Tổng Biên tập báo Thanh Niên, và vẫn làm thái thượng hoàng của tờ báo này, vì vẫn giữ chức Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguồn kinh tài, cái hầu bao của tờ báo.
Tác giả bình luận, từ chuyện ăn ở hai lòng, dùng thủ đoạn cướp công cụ quyền lực ngay chính người ơn của mình, nhân danh quyền lực, trách nhiệm xã hội cao cả ấy để làm chuyện mờ ám trục lợi cá nhân, bám vào hệ thống nhà nước chuyên chế để làm giàu trên xương máu người dân, Nguyễn Công Khế là hình mẫu, chân dung đậm đặc nhất của người Cộng sản.
Gieo gì thì gặt ấy. Vụ bắt ông Khế vẫn là chuyện thanh trừng nội bộ. Khế là mắt xích của phe nhóm nào đó đang cần bị loại bỏ. Án kinh tế mà do an ninh điều tra khởi tố, thì đủ hiểu rồi!
Xuân Hưng – thoibao.de
20.1.2024