Ngày 26/1, RFA Tiếng Việt có bài “Muốn “hút” vàng trong dân, nhà nước cần tạo niềm tin, sự minh bạch”.
RFA dẫn quan điểm của Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý thành phố Hồ Chí Minh, về kiến nghị cần lập sàn vàng để hút vàng trong dân. Tiến sĩ Thắng nói:
“Để thực hiện tốt việc này thì phải tạo được niềm tin trong nhân dân, huy động vàng trong nhân dân thì nhân dân phải tin tưởng.”
“Người ta phải thấy có cơ sở, một mặt là có nghĩa vụ đóng góp cho đất nước, một mặt là vẫn bảo toàn được nguồn vốn mà người ta tham gia đóng góp.”
“Người dân tham gia sàn vàng thì có những lợi ích phụ như thế nào? Ngoài vấn đề bảo đảm mức lãi suất tương đối hấp dẫn, nhà nước cần cho thấy được cơ sở để thực hiện, để tạo sự an tâm cho sự đồng thuận của người dân, cái đó là cái quan trọng. Việc lập sàn vàng thì tôi hoàn toàn nhất trí và thấy hợp lý, nhưng biện pháp tiến hành phải như thế nào đủ sức hấp dẫn, bên cạnh kêu gọi sự nhiệt tình đóng góp của người dân, thì cũng phải có gì bảo đảm về mặt nhà nước.”
Về phía người dân, RFA dẫn ý kiến của ông Trung Kiên ở Đồng Nai, cho rằng:
“Cơ chế quản lý xã hội hiện tại do nhà nước độc tài toàn trị nắm giữ, nên mọi công việc không có tính minh bạch, nên người dân không có sự tin tưởng. Theo tôi, cho dù có mở sàn giao dịch công khai, nhưng trong suy nghĩ sâu xa người dân vẫn không tin tưởng về việc làm của Nhà nước.”
Ông Lê Quý Lộc, một cựu tù nhân lương tâm, nói với RFA:
“Theo quan điểm của tôi thì việc mở sàn huy động vàng trong dân, theo tinh thần người dân tự nguyện, thì đúng theo quy định pháp luật. Nhưng hiện nay, người dân không còn như thời năm 1982 nữa, thời bị dụ vào hợp tác xã rồi lấy đất của dân, rồi gọi là người dân tự nguyện hiến đất cho hợp tác xã. Người dân hiện nay đã biết thế nào là Cộng sản rồi! Nên việc huy động vàng trong dân sẽ không thực hiện được. Không ai tin nữa đâu.”
Một người khác sinh sống ở miền Trung chia sẻ:
“Đã từ lâu, khoảng 3 – 4 năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ý kiến “Làm thế nào để huy động 500 tấn vàng trong dân”. Tuy nhiên, từ đó đến nay mới chỉ dừng tại đó, có lẽ, qua thăm dò thì thấy không khả thi. Bây giờ vấn đề này lại được nêu ra, nhưng không có phương án cụ thể. Với tư cách người dân, về mặt tâm lý, nếu tui có vàng tui cũng không thể tham gia “sàn giao dịch vàng”, vì không tin tưởng bộ máy quản lý của Ngân hàng Nhà nước.”
“Thực tế, khoảng 30 năm trước, “trái phiếu Chính phủ” mà người dân bỏ tiền thật để mua, sau này lấy lại thì thấy mất giá thê thảm!”
Người này cũng xác nhận, việc mở sàn vàng để huy động “400 tấn vàng trong dân” sẽ không khả thi.
RFA tiếp tục dẫn lời Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, phân tích sâu hơn:
“Vàng là một công cụ lưu trữ tài sản ít mất giá, dễ di chuyển và có tính thanh khoản cao. Vì vậy, nhiều người đã chọn vàng như một công cụ để tích trữ tài sản. Chính quyền nên tôn trọng quyết định này của nhân dân và nên thiết lập những chính sách dựa trên sự tôn trọng này. Một trong những điều chính quyền cần làm, đó là nên để thị trường vàng được hoạt động đúng nghĩa theo nguyên tắc thị trường… Cái mà nhà nước cần làm đó là kiểm soát chất lượng vàng và các đơn vị đo lường liên quan đến vàng.”
“Chính quyền nên tạo ra một nền kinh tế ổn định, ít lạm phát, có nhiều cơ hội đầu tư xuất hiện, và lúc đó, thay vì giữ tài sản dưới dạng vàng, người dân thấy những cơ hội mới, đem lại lợi nhuận cao, ít rủi ro, họ tự khắc sẽ dùng vàng của mình để chuyển thành những khoản đầu tư đem lại lợi nhuận và qua đó phát triển quốc gia. Hãy làm chính sách trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc của thị trường và tôn trọng quyền sở hữu chính đáng của người dân, ở đây là quyền sở hữu vàng.”
Minh Vũ – thoibao.de
28.1.2024