Vì sao Vietnam Airline vẫn thua lỗ, dù được ưu đãi?

Ngày 26/6, VOA Tiếng Việt loan tin “Vietnam Airlines có nguy cơ mất thanh khoản vào tháng 7 nếu không được gia hạn trả nợ”.

VOA dẫn các báo trong nước, bao gồm cả Thanh Niên và VnExpress, đưa tin hôm 25/6, trích dẫn một tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội Việt Nam. Theo đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, ngay trong tháng 7, nếu các ngân hàng không gia hạn việc trả nợ, tái cấp vốn cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Theo VOA, các cơ quan báo chí Việt Nam và nước ngoài mô tả, dẫn lại tờ trình của Chính phủ Việt Nam, cho biết, hiện nay, hãng hàng không quốc gia đang vật lộn với những khó khăn tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo hãng tin quốc tế nói trên, Tờ trình của Chính phủ Việt Nam cho biết thêm rằng, Vietnam Airlines chưa hoàn thành các nỗ lực tái cấp vốn, chẳng hạn như tái cơ cấu các khoản đầu tư không cốt lõi, và bán ra các cổ phiếu mới, tuân theo các điều khoản được phê duyệt.

Bên cạnh đó, các báo Việt Nam, trong đó có Thanh Niên và VnExpress, tường thuật rằng, Chính phủ Việt Nam nêu rõ trong tờ trình là, nếu Vietnam Airlines không được gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, hãng sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7 sắp tới, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết với các bên cho thuê máy bay, các đối tác cung cấp dịch vụ, dẫn đến Vietnam Airlines có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác.

Ngoài ra, VOA cho biết, Chính phủ cảnh báo rằng, hãng cũng sẽ phải chịu các chi phí tài chính phát sinh, do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn, hoãn nợ, với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Qua tờ trình, Chính phủ đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần, tại thời điểm đến hạn trả nợ, đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Vẫn theo VOA, về đề nghị này của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội “cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines”, các báo Việt Nam tường thuật.

Cũng liên quan đến tái cơ cấu nợ của Vietnam Airline, ngày 27/6, báo Pháp Luật dẫn phát biểu của Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 (tháng 11/2020), đã đồng ý cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn, gia hạn không quá 2 lần, lãi suất 0%.

Báo Pháp luật cho biết, từ năm 2021 tới nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Vietnam Airline liên tiếp lỗ nặng. Năm 2021, lỗ trên 11.800 tỉ đồng; năm 2022 lỗ 8.841 tỉ đồng; năm 2023 lỗ 4.789 tỉ đồng. Như vậy, qua 4 năm Vietnam Airline lỗ trên 32.000 tỉ.

Ông Ngân cho rằng, Vietnam Airline hiện đang vay tái cơ cấu chỉ có 4.000 tỉ, so với khoản nợ đã lên tới khoảng 58.000 tỉ, như vậy, khoản này cũng rất ít.

Để có một giải pháp căn cơ, đảm bảo sự phát triển bền vững của Vietnam Airline, đại biểu Ngân đề nghị, Vietnam Airline phải tái cơ cấu lại nợ, và phải giảm nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Dư luận thắc mắc, từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch, vào đầu năm 2022, đến nay đã hơn 2 năm, vì sao Vietnam Airline – hãng hàng không số 1 Việt Nam, với thị phần vận chuyển cao nhất, ưu đãi vay vốn với lãi suất 0%, tại sao vẫn lỗ dài dài?

Tuy số lỗ đã giảm theo từng năm, nhưng những khoản lỗ vẫn còn khá cao.

 

Minh Vũ – thoibao.de