Chống tham nhũng theo kiểu “nhân nghĩa” thì bao giờ mới hết tham nhũng?
Ngày 8/3, RFA Tiếng Việt có bài “Tại sao “con lạc đà Vạn Thịnh Phát chui qua được lỗ kim” như thế?” của blogger Trần Hiếu Chân.
Tác giả nhắc lại tuyên bố quen thuộc của Tổng Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được… uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Và cho rằng, tuyên bố này trúng phóc, khi vụ Vạn Thịnh Phát đang bị xét xử, được coi là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất châu Á, cả về quy mô, tầm mức gây hại, và số người bị hại.
Tác giả mỉa mai so sánh, không chỉ lớn nhất châu Á, vụ Vạn Thịnh Phát chắc hẳn sẽ được xếp vào một trong những vụ án lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới, có thể “sánh vai” cùng những Enron, Madoff và Barings ở Mỹ… Van Thinh Phat Holdings Group còn “trên tài” các “siêu lừa thế kỷ” trên đất Mỹ ở chỗ, các bậc đàn anh kia bị các cơ quan công quyền phát hiện ngay trong một thời gian ngắn.
Còn cô gái người Việt gốc Hoa từ chợ An Đông, chỉ mới tốt nghiệp trung học, đã nhanh chóng mọc đủ nanh vuốt để khuynh đảo thương trường và chính trường, trong cả nước suốt gần hai chục năm trời. Mà quá trình khuynh đảo ấy lại diễn ra dưới con mắt giám sát và theo dõi chặt chẽ của guồng máy công an khét tiếng trong chế độ toàn trị.
Theo tác giả, “nhất cử nhất động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không thể nào lọt qua cặp mắt nghiệp vụ của “các đồng chí an ninh”. Mạng lưới “điệp ngầm” ở Việt Nam “nằm vùng” trong mọi cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại là dày đặc, thậm chí họ còn theo dõi lẫn nhau”.
Tác giả đặt câu hỏi: Vậy sao lại để “con lạc đà Vạn Thịnh Phát chui lọt qua được lỗ kim” như thế?
Tác giả dẫn câu trả lời chính xác từ Facebook Võ Xuân Sơn:
“Đó là do cái định chế của nhà nước này sinh ra vốn để kiểm soát bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn đã thoái hóa, thối nát đến cùng cực. Nguyên một Đoàn Thanh tra gồm các thành viên Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, các thành viên của Kiểm toán Nhà nước, các thành viên của Thanh tra Chính phủ, các thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, và hàng loạt cán bộ cao cấp của Ngân hàng Nhà nước… Tất cả đều nhận hối lộ và đều đồng ý ký vào các Biên bản thanh tra, để bao che cho sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và ngân hàng SCB. Vậy thì, liệu sau gần hai tháng xử, các ông có chắc, Tòa thành phố Hồ Chí Minh sẽ bóc tách được mọi đầu mối của đường dây mafia này không?”
Tác giả không tin rằng, sau 60 ngày, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh sẽ trả lời được những câu hỏi hóc búa nêu trên.
Tác giả dẫn phát biểu của Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội, rằng: “tất cả cũng chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, vẫn còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”.
Phát biểu của vị đại biểu này đặt ra vấn đề, sau khi cắt “đỉnh tảng băng”, ai sẽ là người đủ thẩm quyền để xử tiếp “phần chìm bên dưới những tảng băng khác chưa vỡ’?”
Vấn đề cuối cùng, theo tác giả, nhưng rất quan trọng, từ Vạn Thịnh Phát nhìn lại các đại án tham nhũng chấn động mấy năm trở lại đây, đại chúng có thể thấy một mẫu số chung khá khôi hài. Đó là: “Các quan lớn, quan nhỏ cứ tham nhũng vô tư, nếu bị phát hiện thì trả lại “một mớ” là án được giảm nhẹ. Sau khi đem tiền nộp tại Tòa xong, thì tiếp đến “màn” khóc lóc kể khổ, kể hoàn cảnh gia đình, kể công trạng đóng góp cho Cách mạng, trưng ra các bằng khen, giấy khen, các loại huân huy chương…” theo chia sẻ của nick name @trunghieuphan554 trên một YouTube.
Tác giả kết luận: Chống tham nhũng kiểu ‘‘Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” như thế, thì khác nào khuyến khích các đại quan cứ tha hồ đục khoét. Người dân có quyền đặt vấn đề, phải chăng hàng trăm tập đoàn, hàng ngàn công ty ngoài kia đang vận hành có khác gì những kẻ đứng trước “vành móng ngựa”, chẳng qua, họ biết “ăn chia đúng và đủ” cho các “đồng chí đang mai phục trong đống rơm” nên vẫn tha hồ bòn rút tài sản công và tiền thuế của dân một cách vô tội vạ?
Hoàng Anh – thoibao.de