Tình trạng tê liệt bộ máy hành chính do chống tham nhũng, đã khiến Việt Nam mất hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài

Ngày 17/5, VOA Tiếng Việt cho hay, “Việt Nam mất hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài do “tê liệt” bộ máy vì chống tham nhũng”.

VOA dẫn tin từ một hãng tin quốc tế cho hay, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong 3 năm qua, và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa, do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính. Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo với Chính phủ Hà Nội, qua một lá thư.

VOA cho biết, những số liệu chưa được báo cáo trước đây, từ tài liệu chưa được công bố, vốn đã có từ ngày 6/3, nêu bật sự thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, về những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài, gây ra bế tắc kéo dài, giữa lúc Việt Nam đang bị bủa vây bởi chiến dịch chống tham nhũng leo thang, và tình trạng bất ổn chính trị.

VOA trích dẫn bức thư gửi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, viết: “Khoảng 1 tỷ USD vốn cho phát triển đang chờ phê duyệt, với 2,5 tỷ USD bổ sung phải hoàn trả lại do hết hạn tài trợ”. Điều này báo hiệu những tổn thất tiềm tàng, trị giá gần 1% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước.

Khoản tài trợ hết hạn có thể trì hoãn các dự án rất cần thiết, chẳng hạn như nâng cấp cơ sở hạ tầng, và các nhà tài trợ nhấn mạnh trong thư rằng, nhiều khoản tiền bổ sung có thể đã bị mất, do “bị ngăn cản bởi quá trình phê duyệt kéo dài”.

Theo VOA, cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo ra một dạng “tê liệt”. Các quan chức chậm phê duyệt hoặc triển khai các sáng kiến, vì họ sợ vô tình vi phạm vào các quy định phức tạp.

VOA dẫn nguồn từ Bộ Tài chính cho hay, Việt Nam cũng đang phải vật lộn trong việc chi tiêu, ngay cả đối với công quỹ, khi đã không giải ngân được vốn đầu tư công, khoảng 19 tỷ USD từ năm 2021 – 2023, ít hơn 1/4 so với kế hoạch.

VOA cũng cho biết, bức thư được người đứng đầu Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gửi, có chữ ký của 18 đại sứ, trong đó có Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới cho hãng tin quốc tế biết, họ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong các dự án, và Liên Hiệp Quốc thừa nhận trong một tuyên bố rằng, có những “thách thức” trong việc sử dụng nguồn tài trợ.

Vẫn theo VOA, Việt Nam đã đưa ra những cam kết đáng kể về việc giảm sử dụng than, để đổi lấy nguồn tài trợ về khí hậu của phương Tây. Nhưng một năm rưỡi sau khi thỏa thuận với các quốc gia của Nhóm G7 được công bố, vẫn chưa có khoản vốn nào được giải ngân. Trong khi, Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu than, để tránh tình trạng thiếu điện ở các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.

VOA dẫn lời một quan chức nước ngoài nói với hãng tin quốc tế rằng, sau nhiều yêu cầu từ các nhà tài trợ, Chính phủ đã thành lập một nhóm làm việc về vấn đề này, và chỉ đạo các quan chức xem xét một số quy định cản trở việc tiếp cận nguồn vốn, nhưng không có thời hạn nào được ấn định, để hoàn tất quy trình.

Quan chức này cũng cho hay, lưới điện – cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước, được coi là cần nâng cấp, và có sẵn một lượng lớn vốn nước ngoài để thực hiện công việc này. Tuy nhiên, các quy định hiện hành ngăn cản nhà điều hành mạng lưới thuộc sở hữu nhà nước, tiếp cận số tiền đó, ít nhất cho đến năm 2027.

VOA cho biết thêm, sự thất vọng của các nhà tài trợ dẫn tới những quyết định có thể cắt giảm viện trợ cho Việt Nam trong tương lai.

Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới cho biết, họ sẽ sáp nhập văn phòng Hà Nội từ tháng 7 với các hoạt động ở Campuchia và Lào, để nâng cao “hiệu quả quản lý”, một động thái có thể dẫn đến sự thay đổi trọng tâm.

 

Thu Phương – thoibao.de