VinFast – tứ bề thọ nạn

Ngày 15/6, báo Tiếng Dân đăng bài “Motley Fool cảnh báo cờ đỏ và tình hình tài chính báo động của VinFast”, của tác giả Sonnie Trần.

Tác giả dẫn hãng tài chính danh tiếng Motley Fool mới đây đã đưa ra “5 điểm báo động” về tương lai của VinFast.

Theo Motley Fool, VinFast Auto gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư, do đã đặt ra một số mục tiêu giao hàng đầy tham vọng, trước khi IPO, nhưng lại không đạt được mục tiêu này, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.

Ban đầu, VinFast tuyên bố có thể bán được 50.000 xe điện vào năm 2023. Tuy nhiên, hãng chỉ bàn giao được 34.855 xe điện và 72.468 xe máy điện. Nhưng khoảng 70% lượng xe điện được giao, thực sự thuộc về công ty liên kết của chính họ – Xanh SM (GSM), một nhà điều hành taxi và cung cấp dịch vụ cho thuê, thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng.

Riêng quý 4/2023, hơn 98% doanh thu của VinFast tới từ GSM.

VinFast tuyên bố có thể giao hơn 100.000 xe điện trong năm nay, kế hoạch này phụ thuộc vào sự phát triển của hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nhưng hãng chỉ bán được chưa đến 1.000 xe điện ở Bắc Mỹ trong năm ngoái.

Mặt khác, tác giả cho biết, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy trị giá $4 tỷ ở North Carolina, theo kế hoạch sẽ khai trương vào tháng 7/2024, nhưng sau đó đã hoãn lại đến đầu năm 2025. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của một hãng tin quốc tế cho biết, VinFast có thể lùi ngày đó lại xa hơn nữa, do doanh số bán hàng chậm hơn dự kiến.

Tệ hơn, theo tác giả, VinFast đang bị Công ty dịch vụ bất động sản SPG Center kiện, vì 12 tháng không trả tiền thuê showroom xe ở Palo Alto, California, với khoản nợ 356.000 USD.

VinFast cũng bị các nhà đầu tư kiện tập thể, vì cung cấp thông tin không chính xác và đầy đủ. VinFast có thể vượt qua những trở ngại đó, nhưng chúng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về dòng tiền của hãng, với chi phí pháp lý cao và khiến nhiều nhà đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng hơn nữa, các hoạt động kinh doanh của hãng.

Cuối cùng, VinFast đang bị Cơ quan An toàn Giao thông Đường Cao tốc Quốc gia Hoa Kỳ điều tra, về vụ tai nạn chết người của một chiếc SUV VinFast VF8 ở California. Vụ tai nạn khiến một gia đình 4 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, tác giả cũng cho biết, tình hình và kinh doanh tài chính đến quý 1/2024 bị thổi phồng và đáng báo động.

Báo cáo của Motley Fool cho thấy, doanh số quý 1/2024 tăng hơn gấp 4 lần (444%) so với cùng kỳ, là một tỷ lệ thổi phồng năng lực

Trong khi, thông tin doanh số giảm 28% so với quý 4/2023, lại bị truyền thông Việt Nam ém nhẹm, dù được báo chí tài chính quốc tế lưu ý. Nên nhớ, thị trường xe hơi không phải là một thị trường mùa vụ, nên việc giảm doanh số so với quý liền trước, là một điều đáng lo ngại.

Tác giả nhận xét, VinFast cũng công bố mục tiêu năm 2024 là bán ra 100.000 chiếc, nếu không đạt thì sẽ tiếp tục là một bằng chứng gây bất lợi cho 3 vụ kiện chứng khoán mà VinFast đang phải tiếp nhận, và sẽ còn nhiều hơn trong tương lai.

Về tài chính, vẫn theo tác giả, VinFast đang lỗ trung bình 50% trên mỗi chiếc xe bán ra, lỗ ròng của VinFast trong quý này không có gì khác biệt đáng kể so với quý trước.

Nợ ngắn hạn của VinFast tăng lên 6,65 tỷ USD, từ mức 5,8 tỷ USD vào cuối năm 2023.

VinFast đã phải đi vay hơn 645 triệu USD từ các ngân hàng và VinGroup, trong đó 200 triệu USD được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị.

Nợ dài hạn của VinFast trong quý 1/2024 cũng tăng lên 2,74 tỷ USD, so với 2,44 tỷ USD vào cuối năm 2023. Cho thấy, cho dù các khoản nợ ngắn hạn phải trả năm 2024 đang tới hạn nhiều hơn, đồng thời VinFast vẫn phải vay nhiều hơn để tiếp tục duy trì hoạt động.

Trong khi đó, lượng tiền mặt dự trữ lại giảm xuống chỉ còn 123 triệu USD, so với 163 triệu USD trong quý 4/2023.

Một điểm đáng lưu ý nữa, tác giả cho biết thêm, một trang tin kinh tế nổi tiếng đã ước tính giá trị khối tài sản của ông Vượng vào khoảng 5,3 tỷ USD. Nhưng tổng số nợ phải trả của VinFast đến quý 1/2024 đã lên gần 9,4 tỷ USD, gần gấp đôi giá trị tài sản của ông Vượng.

Tổng thâm hụt và nợ phải trả tính tới quý 1/2024 là 6 tỷ USD, tăng hơn so với 5,48 tỷ USD vào cuối năm 2023.

 

Quang Minh – thoibao.de