Tập đoàn Hàn Quốc rút vốn: Có phải là dấu hiệu báo hiệu sự suy tàn của VinGroup?

Ngày 24/6, RFA Tiếng Việt loan tin “Tập đoàn SK của Hàn Quốc muốn rút vốn khỏi Masan và VinGroup”.

RFA dẫn báo chí Hàn Quốc hồi cuối tuần qua, cho biết, Tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc là SK Group, đang trong quá trình thoái vốn khỏi Masan và VinGroup, hy vọng có thể thu về 720 triệu đô la thông qua việc bán các khoản đầu tư ở 2 tập đoàn này tại Việt Nam.

RFA cho biết, SK Group đã đầu tư 470 triệu đô la, tương đương 9,5% số cổ phần vào Masan năm 2018, và đầu tư 1 tỷ đô la vào VinGroup năm 2019.

Ngoài VinGroup và Masan, SK Group cũng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam, bao gồm phân phối, hàng tiêu dùng, phát triển bất động sản và chăm sóc sức khỏe với các doanh nghiệp, như Pharmacity, Imexpharm, PV Oil, Cửu Long JOC, Maroon Bells… Tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ đô la.

RFA dẫn một thông báo của Masan, công bố hôm 24/6, cho biết, 2 công ty đang trong giai đoạn cuối để SK Group giảm cổ phần nắm giữ tại Masan.

RFA cũng dẫn tờ báo Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc, cho biết, SK Group hy vọng có thể hoàn tất việc đàm phán bán 6,1% cổ phần của VinGroup chậm nhất vào cuối năm nay.

Tờ báo dẫn lời người đại diện của SK cho biết: “ngay cả khi việc bán cổ phần hoàn tất, quan hệ hợp tác giữa tập đoàn SK với VinGroup và Masan sẽ vẫn tiếp tục.”

Theo RFA, cả Masan và VinGroup đều là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, với vốn hóa là khoảng 4,4 tỷ đô la và 6,3 tỷ đô la.

Thông tin này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, đây là dấu hiệu cho sự sụp đổ đang tới gần của VinGroup, đã được nhiều người dự báo?

Theo VnExpress loan tin vào đầu năm nay, thì kết quả kinh doanh của VinGroup trong năm 2023 khá khả quan, với doanh thu thuần hợp nhất tăng 59% so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế và sau thế đều đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, dễ dàng nhận ra bất ổn trong cơ cấu kinh doanh của VinGroup. Theo đó, bất động sản vẫn là trụ cột chính của VinGroup, nhưng mảng sản xuất – cụ thể là xe điện – đang tăng dần đóng góp về doanh thu, với tỷ lệ không nhỏ trong VinGroup, đủ để ảnh hưởng đến cả Tập đoàn.

Mặc cho VinGroup và VinFast ba hoa về những “thành công”, do đã bàn giao được hàng ngàn ô tô điện, việc thành công niêm yết trên sàn Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ… thì những người theo dõi quá trình hoạt động của VinFast đều biết, những “thành công” này đều là ảo.

Sự thật, VinFast đang đối mặt với vô số khó khăn, khi liên tục phải đối mặt với một loạt các vụ kiện tụng tại Mỹ.

Cụ thể là các vụ kiện tập thể về việc VinFast đã cung cấp thông tin không đầy đủ và thiếu trung thực, khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trên thị trường chứng khoán Mỹ. VinFast cũng phải đối mặt với vụ kiện về vi phạm sáng chế của một tập đoàn thép hàng đầu thế giới. Chưa hết, VinFast còn đang bị giới chức Mỹ điều tra, về một vụ tai nạn khi sử dụng xe ô tô điện VinFast, khiến một gia đình 4 người thiệt mạng tại California.

Ngoài ra, đa số ô tô điện của VinFast được bán cho Công ty taxi GSM cũng thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng – ông chủ của VinFast. Có thể hiểu, ông Vượng đang đem sản phẩm của mình làm ra, bán cho chính bản thân ông. Còn tại thị trường Mỹ, hàng ngàn chiếc xe VinFast nhập khẩu vào đây đều đang phơi nắng phơi mưa tại bãi xe, vì không bán được.

Tình hình tài chính của VinFast cũng cực kỳ tệ hại, khi mà tổng các khoản nợ của VinFast, ước tính đã gấp đôi tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.

Theo báo cáo tài chính của VinGroup, hoạt động kinh doanh của Vincom Retail đạt kết quả khá khả quan, khi doanh thu thuần tăng 33% và lợi nhuận sau thuế tăng 59%, so với năm 2022. Tuy nhiên, VinGroup đã bán Vincom Retail để bù lỗ cho VinFast.

 

Ý Nhi – thoibao.de