Vì sao, trước Hội nghị Trung ương 10, đấu đá nội bộ sẽ quyết liệt chưa từng thấy?

Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 sẽ khai mạc và đầu tháng 10/2024. Nội dung trọng tâm nhất của Hội nghị này là bàn về công tác nhân sự chủ chốt, cho Ban lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Hội nghị Trung ương 10 diễn ra trong bối cảnh nội bộ chính trường Việt Nam xáo trộn chưa từng thấy. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, với hàng loạt nhân sự lãnh đạo cấp uỷ viên Bộ Chính trị dắt tay nhau ra đi, với tần suất dày đặc, ở mức bình quân gần như mỗi tháng có 1 người.

Cụ thể, vào tháng 1/2024, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ra đi; tiếp đó, tháng 3 đến lượt ông Võ Văn Thưởng; sang tháng 4 là ông Vương Đình Huệ; tháng 5 là bà Trương Thị Mai; và mới nhất, tháng 6 là Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn chưa phải là người cuối cùng, mà sẽ còn một số uỷ viên Bộ Chính trị tiếp tục ra đi, trong thời gian 17 tháng còn lại của nhiệm kỳ Đại hội khóa 13.

Thông báo mới nhất của Bộ Công an cho biết, việc Cơ quan An ninh Điều tra (A09), chứ không phải Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03), là bên xử lý vụ án Công ty Cây xanh Công Minh, cho thấy, đây là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, và có khả năng liên quan đến một số lãnh đạo cấp cao.

Giới thạo tin cho biết, người đứng sau bảo kê cho Công Minh, là uỷ viên Bộ Chính trị thuộc phe Nghệ Tĩnh, đó có thể là Vương Đình Huệ hay Trần Cẩm Tú, hoặc cả 2.

Một vấn đề quan trọng không kém, đó là sự vắng mặt của Tổng Trọng trong 2 kỳ họp quan trọng của Đảng mới đây, đó là Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, và Hội nghị Quân ủy Trung ương. Sự vắng mặt của Tổng Trọng được cho là do sức khỏe rất xấu. Mới nhất, một nguồn tin nội bộ cho biết, ông Trọng đang được các bác sĩ Trung Quốc do Tập Cận Bình mới tăng cường bổ sung sang Hà Nội, để chữa trị chứng suy gan, viêm phổi.

Thông tin này ảnh hưởng rất lớn đến chính trường Việt Nam, khi Chủ tịch Tô Lâm chưa kiểm soát được hoàn toàn. Điều này cũng là lý do, vì sao, theo giới phân tích, chính trị Việt Nam từ nay tới Hội nghị Trung ương 10 sẽ quyết liệt chưa từng thấy. Các bên sẽ xuất hết “nội công”, ra hết sức lực, bằng mọi giá đánh bại đối thủ.

Một nguồn tin nội bộ, mới đây tiết lộ:

“Có khả năng cao, Phạm Minh Chính sẽ được Trung Quốc chọn ủng hộ kế nhiệm ông Trọng, chứ chưa chắc đã là Tô Lâm. Vì Trung Quốc đã từng ủng hộ ông Chính hồi làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh (2011). Và khả năng này cao thấp như thế nào, thì cũng còn phải đợi xem Trung Quốc có mời Tô Lâm sang thăm chính thức, với vai trò Chủ tịch nước, vào thời gian tới hay không?”

Vẫn theo nguồn tin trên, hiện nay, các tướng lĩnh Quân đội có xu hướng ủng hộ cho Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Tổng Bí thư, tại Đại hội 14. Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7, người chủ trì, điều hành Hội nghị là Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Quốc phòng, chứ không phải ông Tô Lâm.

Bên cạnh đó là hầu hết các gương mặt thân cận với Tổng Trọng, như: Lương Cường; Trần Cẩm Tú; Phan Đình Trạc; Lê Minh Hưng; Lê Hoài Trung… Điều đó cho thấy, sự ủng hộ đối với Chủ tịch Tô Lâm trong giới lãnh đạo cấp cao, đã suy giảm rõ rệt.

Trái ngược với những tin tốt lành của ông Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Tô Lâm được cho là đang trong tình thế “tứ bề thọ địch”, khi phe Nghệ Tĩnh bắt đầu phục hồi thế lực. Trong lúc Bắc Kinh đang tìm mọi cách để gây áp lực với ông Tô Lâm, cả trên bộ, trên biển, trước chuyến công du ngoại quốc đầu trên của ông cương vị Chủ tịch nước.

Trong khi, có những tin tức cho biết, Bộ Công an đang chuẩn bị lật lại hồ sơ Ciputra liên quan Tổng Trọng. Ông Trọng bị cáo buộc làm lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ tránh thuế, gây thiệt hại cho ngân sách 3.000 tỷ vào năm 2002. Đổi lại, ông Trọng đã nhận những món quà bằng tiền mặt và hiện vật, với giá trị hàng triệu USD.

Đáp trả, phe Nghệ Tĩnh tuyên bố, sẽ lật lại hồ sơ vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG. Theo đó, ông Tô Lâm trong vai trò đồng phạm đã tiếp tay bao che, thông qua các văn bản “MẬT”, làm nhà nước thất thoát gần 7.000 tỷ VND.

Điều đó cho thấy, sự mất đoàn kết của nội bộ Đảng đã tới mức “một mất, một còn”, như những kẻ thù không đội trời chung. Cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn không có hồi kết.

Trong bài thơ Đá ơi, nhà thơ Nguyễn Duy từng viết:

“Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh

Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”

Và điều đó đã trở thành chân lý bất biến./.

 

Trà My – Thoibao.de