Liên minh Tô – Chính, tay chìa ra trước bắt, tay giấu sau lưng “thủ dao”!

Có thể nói, thời của Tổng Trọng sắp kết thúc, sân khấu chính trị thượng tầng chỉ còn lại có 2 người đủ tiêu chuẩn để ứng cử vào vị trí Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ tiếp theo. Đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng mời Tướng Quân đội Lương Cường về làm phó cho mình, chủ yếu là để thay ông lo cho dàn đồ đệ trong Ban Bí thư, hoặc tạm thời thay mặt Tổng Bí thư, khi ông Tổng không còn nữa, hoặc thôi giữ chức Tổng Bí thư. Tuy nhiên, tham vọng để Lương Cường thay ông làm Tổng Bí thư, là điều không thể, bởi Tướng Lương Cường chưa làm Ủy viên Bộ Chính trị trọn 1 nhiệm kỳ.

Dẫu biết rằng, thượng tầng chính trị lúc này chỉ chơi theo luật luật rừng, luật của kẻ mạnh. Tuy nhiên, chỉ có những kẻ ở trên đỉnh quyền lực, với sức mạnh vượt trội so với phần còn lại, mới có thể kẻ chơi được loại “luật là tao”. Còn những kẻ ở tầng thấp trong tháp quyền lực, thì chỉ có thể chơi theo luật của kẻ khác, hoặc chơi theo luật chung, đã được quy định bằng văn bản.

Cho đến nay, chỉ có Tổng Trọng là có khả năng tự vẽ ra luật riêng để biệt đãi chính mình. Còn Tô Lâm thì vẫn phải nỗ lực, để có thể có được vị thế như ông Trọng thời đỉnh cao. Tô Lâm cũng tìm cách áp đặt luật chơi lên Bộ Chính trị, và ông đang từng bước thực hiện nó. Ngoài Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, thì hiện nay, vẫn chưa có ai khác đủ khả năng gia nhập vào nhóm tạo ra luật chơi.

“Một rừng không thể có 2 hổ” là câu nói quen thuộc trong dân gian, ngụ ý, trong một tổ chức có quyền lực, không thể có 2 người đồng thời chia nhau quyền lực đỉnh cao. Trong tổ chức tội phạm cũng thế mà trong Bộ Chính trị cũng vậy. Ở những góc khuất, nơi hậu trường chính trị, thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chẳng khác hang ổ tội phạm, các đại ca tranh nhau quyền bá chủ. Cho nên, sẽ không có chuyện Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm cùng chia nhau quyền lực của ông trùm trong bóng tối, kẻ này nổi lên thì kẻ kia phải lặn xuống.

Hiện nay, quyền lực chính trị của Tổng Trọng đang đi xuống, cho nên, quyền làm chủ cuộc chơi trong tay ông cũng đang bị mất dần. Trước đây, ở thời kỳ đỉnh cao, khi trong tay có Bộ Công an, thì ông Tổng hoàn toàn có thể phá luật, để đưa một người chưa đủ 1 nhiệm kỳ Ủy viên Bộ Chính trị vào ghế Tổng Bí thư. Còn bây giờ, nếu ông đưa Lương Cường lên thay thế ông, thì sẽ rất khó, bởi Tô Lâm đang là người có sức mạnh chính trị vượt trội, sẽ vin vào Đảng luật để ngăn cản.

Như vậy, cuộc cạnh tranh ghế Tổng Bí thư sẽ khó có chỗ cho Tướng Lương Cường. Giờ đây, sân khấu chính trị chỉ còn lại 2 người tranh 1 chiếc ghế. Mặc dù Phạm Minh Chính và Tô Lâm đã có thời gian bắt tay nhau, để tập trung loại Vương Đình Huệ, nhưng rồi, cũng sẽ đến lúc, cả 2 phải tranh giành 1 chiếc ghế cuối cùng.

Có thể nói, Phạm Minh Chính và Tô Lâm là 2 đối thủ ngang tài ngang sức, mỗi người đều có lợi thế riêng. Nếu không bị dồn vào thế buộc phải đấu nhau để chọn 1, thì 2 kẻ này không dại gì mà sống mái với nhau. Nói về võ thì Tô Lâm có phần trội hơn, còn nói về thủ đoạn thì Phạm Minh Chính có phần trội hơn.

Chuẩn bị “dao” là cách phòng thủ tốt nhất, đối với những kẻ muốn toan tính lợi ích, trong các cuộc chiến cung đình. Trên tay Tô Lâm đã có vũ khí, nhưng với Phạm Minh Chính, ông cũng đang thủ “vũ khí” phòng thân, bằng việc cấu kết với bên quân đội để tạo lợi thế.

Đã đứng đầu một nhóm lợi ích, thì không thể “đầu quân” cho kẻ khác. Phạm Minh Chính không thể “đầu quân” cho Tô Lâm, mà chỉ có thể là đối tác hoặc đối thủ. Cho nên, “thủ dao” cũng là cách giúp bản thân ông an toàn hơn, trước một Tô Lâm đầy tham vọng.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de