Ảnh hưởng của Trung Quốc phủ bóng chuyến thăm Lào và Campuchia của Tô Chủ tịch

Ngày 11/7, BBC Tiếng Việt bình luận “Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào và Campuchia, điều gì đáng chú ý?”

Theo đó, Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến công du Lào và Campuchia, từ ngày 11 đến ngày 13/7. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước.

BBC cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được xác định là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, giữa những người đồng chí, anh em. Nhiều đời Chủ tịch nước như Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, đều chọn Lào làm điểm đến đầu tiên.

Ông Tô Lâm cũng không đi chệch ra khỏi truyền thống ấy.

Điều này khẳng định sự coi trọng của Hà Nội đối với đất nước láng giềng phía tây.

Theo BBC, mối quan hệ gần gũi giữa Lào và Việt Nam, trước hết là quan hệ chính trị, xuất phát từ thời Pháp thuộc, và với việc các Đảng Cộng sản đều lên nắm quyền, mối quan hệ gần gũi ấy duy trì tới ngày nay.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, trong những năm gần đây, sau khi Trung Quốc triển khai mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường, thì Lào trở thành một trong những mắt xích quan trọng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Với quan hệ kinh tế được tăng cường, kéo theo quan hệ chính trị và cả an ninh, quốc phòng.

Trong thời điểm Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm ở thăm Lào, quân đội Trung Quốc và Lào đang tổ chức một cuộc tập trận chung, gần Viêng Chăn.

BBC đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề ở Biển Đông, thì việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Lào, hẳn khiến Việt Nam không được thoải mái.

Trong khi đó, vẫn theo BBC, Việt Nam dường như không có được một mối quan hệ êm đẹp với Campuchia.

Bất chấp Việt Nam luôn nhấn mạnh tình hữu nghị giữa 2 nước, thì mối quan hệ Campuchia và Việt Nam tồn tại nhiều xung đột ngầm. Và trong mối xung đột ấy, vai trò của Trung Quốc cũng hiện lên rõ rệt.

BBC cho hay, ông Tô Lâm tới thăm Campuchia trong bối cảnh, chỉ còn hơn 3 tuần nữa là Campuchia khởi công xây kênh đào Phù Nam Techo, do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Trong thời gian qua, con kênh Phù Nam Techo là chủ đề của nhiều tranh cãi căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia.

Theo đó, BBC cũng cho hay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục lên tiếng đề nghị Campuchia công khai đầy đủ thông tin, để có thể đánh giá các tác động môi trường trước khi khởi công.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Hun Sen và con trai của ông là Thủ tướng Hun Manet liên tục khẳng định đây là chuyện nội bộ của Campuchia, do đó, nước này không có nghĩa vụ công bố với bên nào cả.

BBC nhận xét, một mối quan ngại khác về vai trò của Trung Quốc tại Campuchia, là căn cứ quân sự tại cảng Ream, địa điểm chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chừng 30km.

BBC dẫn chia sẻ của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel Daniel K. Inouye (Mỹ), nói:

“Trung Quốc từ đó sẽ tạo sức ép cho Việt Nam, thêm 2 mặt trận là biên giới phía bắc, và biên giới phía tây, đặc biệt với Campuchia, không kể thêm Lào nữa.”

BBC cũng dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Gregory B Poling, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng:

“Tôi nghĩ cả Việt Nam và Thái Lan đều ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành do thám từ căn cứ này. Điều này mang tính chất nghiêm trọng hơn đối với Việt Nam, vì Việt Nam đã phải đối mặt với các mối đe dọa của Trung Quốc, từ 2 mặt trận, từ biên giới trên bộ và từ Biển Đông, như tại quần đảo Hoàng Sa.”

“Có một mặt trận thứ 3, bị Trung Quốc do thám từ phía nam, là một vấn đề cho Việt Nam, khi lực lượng quân sự Việt Nam cảm thấy bị bao vây.”

BBC cho rằng, trong thời gian qua, Việt Nam luôn ra sức gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Campuchia.

BBC bình luận, chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh, những mâu thuẫn ngầm giữa Việt Nam và Campuchia từ lịch sử xa xưa, giờ lại thêm các mâu thuẫn mới – như kênh đào Phú Nam, là một nỗ lực giúp Việt Nam níu giữ các ảnh hưởng ở Campuchia.

Tuy nhiên, có thể thấy, tầm ảnh hưởng của Việt Nam đang dần trở nên yếu đi, trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Hoàng Anh – thoibao.de