Vì sao, nếu không thay đổi, Tô Đại không dễ để trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 14?

Kể từ cuối năm 2023 cho đến nay, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã khá thành công, trong việc lấn lướt quyền lực của Tổng Trọng.

Một trong những nguyên nhân chính được giải thích khá thuyết phục, là do ông Tô Lâm và Bộ Công an đã dựa vào kho tàng thư “Big Data”. Đó là các hồ sơ đen “nhúng chàm” của tất cả các quan chức lãnh đạo Việt Nam, từ Trung ương tới địa phương. Bất kỳ là ai, nếu bị Bộ Công an chọn “lật hồ sơ”, thì cũng đều dính chấu. Vấn đề là, hồ sơ đen này được ông Tô Lâm chọn lựa như thế nào, và quyết định trừng trị để xóa sổ những ai mà thôi.

Các nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất hàng tứ trụ, ngũ trụ, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai… và nhiều quan chức khác cấp cao cỡ uỷ viên Trung ương Đảng, là các bí thư, chủ tịch các tỉnh/ thành phố, khi bị Bộ Công an “xướng tên”, thì chỉ biết cúi đầu “tâm phục”, trước các bằng chứng xác đáng, chính xác, của Bộ Công an.

Tuy nhiên, câu trả lời vừa kể vẫn chưa đầy đủ, trước các biến động của chính trị thế giới. Đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hết sức phức tạp, và khó có thể xác định các biện pháp của Trung Quốc, nhằm gia tăng sức ép đối với Ban lãnh đạo Hà Nội, thông qua 2 đồng minh chiến lược lâu đời của Việt Nam là Lào và Campuchia.

Cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm được đánh giá là một trong những lãnh đạo Việt Nam đủ trình độ, để có thể lèo lái Việt Nam vượt qua những khó khăn kể trên. Đồng thời, đổi lại, Chủ tịch nước được Ban lãnh đạo cấp cao “ưu ái” cho một số yêu cầu, có thể chấp nhận được.

Việc Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang – một Ủy viên Trung ương Đảng hơn 3 năm, chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng do tài “quyền biến” của Tô Lâm, đã trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. Điều này gây ra sự kinh ngạc lớn cho công luận. Nhưng thực chất, thành công của Lương Tam Quang không phải nhờ “tài năng” của Tô Lâm, mà là do sự “ưu ái” của tập thể lãnh đạo mà thôi.

Trước Đại hội 13 (năm 2021), Tiểu ban Nhân sự đã có kế hoạch điều Thứ trưởng Lương Tam Quang về Nghệ An, làm một khóa Bí thư để “tráng men”, nhằm có cơ sở đề bạt tiếp. Nhưng lãnh đạo phe Nghệ Tĩnh bướng bỉnh không chịu, nên chuyện Thứ trưởng Lương Tam Quang sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, lúc đó đã không thành.

Tuy nhiên, ông Tô Lâm và Bộ Công an liên tiếp có các biểu hiện lạm quyền, đe dọa các lãnh đạo trong bộ máy Đảng và nhà nước, là điều có thật. Việc này đã diễn ra một cách có hệ thống và thường xuyên. Đó là lý do vì sao, sự ủng hộ của Ban lãnh đạo đối với Chủ tịch Tô Lâm rất thấp, như đã xảy ra trong kỳ Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cuối năm 2023.

Nhưng Chủ tịch Tô Lâm không coi đó là bài học kinh nghiệm. Mới đây, ông Tô Lâm đã đi “quá xa” trong chủ trương tăng thêm sức mạnh của Bộ Công an. Đó là chuyện liên quan đến sự ra đời của cái gọi là “lực lượng an ninh cơ sở”, với hơn 300.000 biên chế, nhằm mục đích thách thức quyền lực của Bộ Quốc phòng.

Lâu nay, Quân đội Việt Nam được đánh giá là lực lượng không tham gia vào việc tranh chấp quyền lực trong nội bộ của Đảng. Điều đó càng khẳng định uy thế và vai trò của Quân đội Việt Nam, trong việc là tấm lá chắn cuối cùng, để bảo vệ sự an toàn về an ninh chính trị của Đảng, nhà nước.

Trong giai đoạn gần đây, nhiều biểu hiện cho thấy, các tướng lĩnh lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã có những sự thay đổi quan trọng, trong quan điểm kiềm chế quyền lực của ông Tô Lâm và Bộ Công an.

Đây là vấn đề rất lớn và mang ý nghĩa lâu dài đối với tương lai chính trị của ông Tô Lâm, để tiến tới chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14, sẽ tổ chức vào đầu năm 2026.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện tiên quyết và bắt buộc, đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết tập thể dựa vào biểu quyết của số đông trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương. Trong khi, ông Tô Lâm chỉ là 1 trong 3 phương án để lựa chọn nhân sự Tổng Bí thư, bao gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.

Quan trọng hơn cả, dường như, Ban lãnh đạo Bắc Kinh không muốn chọn ông Tô Lâm cho chiếc ghế này./.

 

Trà My – Thoibao.de